Tác giả Đặng Kim Tùng là giáo viên Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp tỉnh Phú Thọ."Thế nào là sự tử tế?".
Năm 1985, bộ phim tài liệu "Chuyện tử tế" của đạo diễn Trần Văn Thuỷ cũng đã đề cập tới điều này. Sau 30 năm, năm 2015, đạo diễn Trần Văn Thuỷ nhìn lại và cho rằng: "Tôi làm phim kêu gọi mọi người sống tử tế chỉ là 50% của vấn đề. 50% còn lại là phải có môi trường tử tế thì mới có người tử tế."
Đạo diễn Trần Văn Thuỷ cũng nói thêm: "Từ rất xa xưa có dạy rằng, tử tế có trong mỗi con người, trong mọi nhà, dòng họ, mỗi dân tộc... Hãy bền bỉ đánh thức nó. Bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có những nỗ lực tột bậc và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn. Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người - người tử tế."
Tết tử tế là một phần của sống tử tế. Sống tử tế là khó. Với nhiều người, tết đồng nghĩa với áp lực tài chính vì có nhiều khoản phải chi như mua sắm quần áo, thức ăn, bánh kẹo, trang trí nhà cửa, quà cáp...
Đến ngày Tết, việc dọn dẹp và trang hoàng nhà cửa thường gây ra mệt mỏi, cáu gắt...
>> 'Người Việt nên chơi Tết thay vì ăn Tết'
Nhiều gia đình giữ truyền thống cúng bái vào sáng tối mỗi ngày, mỗi lần cúng phải đủ món, đủ mâm. Nhiều phụ nữ đến ngày Tết là chỉ ở nhà để thắp nhang, đũa bát, cỗ bàn. Nhiều đàn ông đến ngày Tết là rượu chè, gây gổ với vợ con, khiến cả nhà đều không được vui.
Tết như thế nào là do suy nghĩ của mỗi người. Hãy mạnh dạn thay đổi những thành kiến và định kiến về lễ nghi ngày Tết. Hãy làm những gì khiến bản thân cảm thấy ý nghĩa nhất và mọi người trong gia đình được hạnh phúc nhất. Hãy cùng kiến tạo Tết tử tế theo cách của bạn.
Sau đây là một vài chia sẻ của tôi để bạn có thể đón tết một cách thú vị và độc đáo:
- Tết sách:
1. Đọc sách tinh hoa;
2. Kẹp đọc sách trước khi lì xì tiền;
3. Thiết lập thư viện;
4. Khai sách đầu năm;
5. Sưu tầm list sách hay.
- Tết khoẻ:
1. Chế biến thực phẩm;
2. Rèn luyện thể dục và tinh thần vui vẻ;
3. Thải độc và thanh lọc cơ thể;
4. Ăn chậm, vừa đủ, nhai kỹ.
- Tết kết nối:
1. Thăm hỏi, gửi lời chúc kẹp thông điệp về nhân quả;
2. Kết nối, hàn gắn lại các mối quan hệ;
3. Có mặt trọn vẹn, lắng nghe khi sinh hoạt và đoàn tụ cùng mọi người.
- Tết xanh:
1. Dọn dẹp và vệ sinh nơi ở của mình;
2. Phân loại và tái chế rác thải sinh hoạt;
3. Xây dựng địa điểm để đổi đồ và vật dụng;
4. Tự trồng hoặc trao tặng cây xanh và hạt giống;
5. Tránh mua đồ chỉ dùng một lần;
6. Tự làm hoặc dùng đồ từ tự nhiên.
- Tết tâm hồn:
1. Gửi tặng năng lượng biết ơn, yêu thương và từ ái;
2. Tự soi và sám hối về bản thân;
3. Gắn kết và hoà hợp các mối quan hệ với mình, với người và với thiên nhiên;
4. Chữa lành ký ức bị tổn thương và nỗi đau tâm hồn.
- Tết tỉnh thức:
1. Tham gia và thực hành thiền;
2. Tỉnh táo và không nhậu nhẹt;
3. Nhận biết những gì đang xảy ra;
4. Tỉnh thức khi đặt câu hỏi và trong các hoạt động hàng ngày;
5. Suy ngẫm và điều chỉnh các phong tục ngày tết mà chưa phù hợp.
>> 'Người Việt cần nghỉ Tết đúng nghĩa'
- Tết hiểu mình:
1. Xác định rõ đam mê, sở trường và tính cách bản thân;
2. Đúc kết năm cũ và lên kế hoạch năm mới để làm mới bản thân;
3. Nhờ người thân đánh giá về chính mình;
4. Viết nhật ký quan sát tâm.
- Tết nghệ thuật:
1. Viết chia sẻ về bài học cuộc sống;
2. Sáng tác, ngâm thơ và viết thư pháp chúc tết;
3. Ca hát, nhảy múa, đàn, vẽ để truyền tải các nội dung ý nghĩa.
- Tết tri thức:
1. Học một kỹ năng mới;
2. Tham gia một khoá đào tạo;
3. Trao tặng người thân sách và thông điệp giá trị;
4. Đọc sách, đúc kết, thực hành và chia sẻ.
- Tết trưởng thành:
1. Trẻ tự lập, tự giác, trách nhiệm, nhận lỗi;
2. Trẻ bỏ chơi game và ham đọc sách;
3. Trẻ biết tiết kiệm và quản lý chi tiêu;
4. Trẻ dám cho đi và đón nhận thử thách khó.
Hãy tận hưởng một dịp Tết trọn vẹn và ý nghĩa. Hãy giữ gìn sức khoẻ, sự an vui và hạnh phúc trong tâm hồn. Hãy xây dựng một cộng đồng sống tử tế. Hãy sống và lan toả điều tử tế.
Đặng Kim Tùng
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.