Quan sát những năm qua, tôi thấy rằng người Việt có xu hướng dịch chuyển ăn tết Tây ngày càng rầm rộ hơn. Tuy nhiên Việc chọn lựa tết Tây hay tết Ta có lẽ sẽ để thế hệ trẻ quyết định, và vấn đề này sẽ để con cháu chúng ta giải quyết một cách tự nhiên nhất. Bởi cái hợp lý thì sẽ tồn tại và ngược lại nếu không hợp lý thì sẽ bị đào thải.
Trong khuôn khổ của bài viết này, tôi chỉ muốn bàn đến vấn đề ăn Tết cho gọn nhẹ. Thật ra Tết ngày nay đã giản lược đi rất nhiều thủ tục truyền thống. Đơn giản và dễ thấy nhất là thủ tục dựng nêu.
"Cu kêu ba tiếng cu kêu, mong cho tới Tết dựng nêu ăn chè". Ngày xưa xã hội thuần nông, dịp lễ lạt lớn nhất trong năm được nhiều người mong đợi nhất là Tết nguyên đán. Bởi thế ngay từ đầu tháng Chạp thì người dân đã bắt đầu sửa soạn đón Tết. Dựng nêu từ ngày 23 Tháng chạp tiễn ông Táo, đến mùng 7 Tết mới hạ nêu. Tức là khoảng thời gian vui chơi nghỉ ngơi tới tận hai tuần lễ. Ngày nay mấy ai còn dựng nêu? Mấy ai còn đi chợ mua và treo tranh Tết, câu đối đỏ trước cửa nhà? Tức là một số nghi lễ trong mùa Tết đã tự bị đào thải lúc nào mà không hay.
Trong cuộc sống công nghiệp mới, Tết nên được xem là khoảng thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động sau một năm dài làm việc. Vì thế, mỗi người chúng ta cần phải chủ động cắt bỏ đi những thủ tục rườm rà và phiền toái mà lễ tết mang lại. Cớ sau lại chen chúc và "hành xác" trên những chuyến tàu, xe được nêm chật người. Về đến nhà là 30 Tết, vui vầy chẳng có bao lâu thì đến lúc phải trở về thành phố.
>> Gánh nặng 'đẹp mặt' khi về quê ăn Tết
Điều đáng nói là trong lúc nghỉ ngơi đó, mọi người lại tự rước phiền phức vào mình. Đàn ông thì rượu chè, nhậu nhẹt suốt ba ngày. Cùng thời gian đó, phụ nữ phải lao vào bếp nấu ăn rồi dọn dẹp, rửa bát. Nhân viên thì biếu quà chúc Tết, sếp thì mỗi ngày đón vài lượt khách, bia rượu uống cũng nhiều.
Rồi những câu hỏi "năm nay ăn Tết to không" như một phần của sự so bì, hơn thua. Mỗi người chúng ta đều muốn trình diễn phần tốt đẹp nhất, sang trọng nhất khi về quê. Quà cáp, tiền bạc phải rủng rỉnh đề thiên hạ trầm trồ. Việc này vô hình gây áp lực tài chính, tiền bạc. Người giàu thì tiêu tiền vào việc sắm sửa những thứ không cần thiết. Người nghèo thì cũng cố gắng chạy vạy, vay nợ lo Tết.
Tôi nghĩ rằng nên chỉ xem Tết là một thủ tục, đánh dấu việc kết thúc một năm lao động, học tập và làm việc. Mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cơ quan tổ chức xem đó là một mốc để đánh giá, nhìn lại năm qua đã đạt được những gì? Điểm nào tốt cần phát huy, điểm nào chưa thì cần cố gắng.
Tận hưởng kỳ nghỉ Tết một cách gọn nhẹ và giản lược đi các thủ tục kiểu rước mệt vào người tức là đang nghỉ Tết một cách đúng nghĩa.
Lê Trung Bảo
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.