Ngày Tết, nhiều người bị hỏi "khi nào lấy chồng?". Nếu khoan kích nổ trái bom tự tôn bởi ý nghĩ có người đang lấn sâu, xâm phạm vào vấn đề riêng tư của bản thân, các bạn vẫn có thể nhận ra một khía cạnh khác rất chất phác của thế hệ các cô, các chú, các bác, các ông, các bà.
Đó là một thế hệ chỉ giản đơn với cảm xúc thuần hậu, mộc mạc và thật thà đến chân phương, bình dị. Một thế hệ chuyển giao giữa những thứ còn sơ sài ngày xưa với những gì đổi mới như vũ bão, những công nghệ, của cải, nhãn hàng quá sức mới lạ ngày nay.
Khi ngồi đối diện với bạn, họ rất bối rối vì khoảng cách của hai chiều thế hệ ngăn cách qua những nền tảng giá trị có tính chất phân biệt thời đại quá sức rõ rệt.
Khi không biết phải nói gì để kết nối được với các cháu, một cách ngây ngô, họ sẽ lại hỏi "Thế bao giờ thì lấy vợ/lấy chồng hả cháu?".
Đối với tôi, đó là một biểu hiện cực kỳ chân chất không lẫn đi đâu được cho một thế hệ của những ấm trà và những câu chuyện thân sơ.
Vì những điều quý giá sau cùng ấy rồi cũng không thể còn mãi, chẳng có lý do gì để nổi nóng với những câu hỏi không những không "đáng ghét" mà thậm chí còn rất "đáng quý" xuất phát từ sự thật thà, chất phác ấy cả.
Thậm chí sau này khi chúng ta chỉ có thể hồi tưởng về thế hệ các cô, các bác trong ký ức, không chừng chính chúng ta sẽ lại cay cay khóe mắt và hỏi cái đứa đang ngồi nhăn nhó trước mặt mình: "Thế khi nào thì cháu lấy vợ/lấy chồng?".
Tất nhiên, khi thấy khó chịu trước những câu hỏi về dự định hôn nhân, các bạn tự mình phản ứng lại theo cách mà bản thân thấy phù hợp. Như tôi thì thấy được sự hồn hậu và chất phác, dưới dạng câu hỏi "quan tâm" tạo chủ đề câu chuyện, lại là phương thức chuyện trò của thế hệ trước, nên mình từ khó chịu chuyển sang thấy thú vị và nhận thấy có sự hài hước từ nét chân thật đó thôi.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.