Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 19/12 đưa tin tàu sân bay Sơn Đông bắt đầu tới một địa điểm chưa xác định ở Biển Đông để thực hành các nội dung tiêm kích cất hạ cánh, kiểm soát thiệt hại khi xảy ra sự cố và tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Quân đội Trung Quốc gọi đây là đợt diễn tập "sát thực tế chiến đấu" nhằm tăng cường năng lực cho tàu sân bay Sơn Đông để "đáp ứng yêu cầu tác chiến hải quân thế kỷ 21".
Tàu sân bay Sơn Đông từng tham gia diễn tập tại Biển Đông hồi tháng 5. Đợt diễn tập mới nhất của tàu Sơn Đông diễn ra cùng thời điểm nhóm tàu sân bay Liêu Ninh tổ chức huấn luyện ở khu vực phía tây Thái Bình Dương.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 17/12 cho biết tàu Liêu Ninh và các chiến hạm hộ tống vượt qua eo biển Miyako và tiến vào Thái Bình Dương từ hôm 16/12. Trong đội hình của tàu sân bay Liêu Ninh có khu trục hạm Type-055, hộ vệ hạm cỡ nhỏ Type-054A, tàu tiếp liệu Type-901 và có thể thêm khu trục hạm Type-052D.
Ngụy Đông Húc, chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh, cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh nhiều khả năng diễn tập trên biển xa để củng cố năng lực chiếm ưu thế trên không và kiểm soát vùng biển.
Các chuyên gia Trung Quốc dự báo hai tàu sân bay nước này sẽ sớm phối hợp hoạt động trong cùng một nhóm tác chiến. Nếu kịch bản này xảy ra, đây sẽ là lần đầu tiên Trung Quốc tổ chức một cuộc diễn tập có hai tàu sân bay tham gia.
Đợt huấn luyện của tàu sân bay Sơn Đông diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tại Biển Đông gia tăng khi Trung Quốc mở rộng lực lượng hải quân và thiết lập các tiền đồn quân sự trên đảo nhân tạo bồi đắp trái phép trong khu vực. Mỹ đáp trả bằng cách tăng cường hiện diện quân sự và tuần tra tự do hàng hải, các nước phương Tây như Anh, Pháp và Đức cũng có động thái tương tự.
Sơn Đông là tàu sân bay thuộc lớp Type-001A, được đưa vào biên chế hải quân Trung Quốc cuối tháng 12/2020. Đây là tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự thiết kế và chế tạo.
Tàu Sơn Đông được khởi đóng năm 2015 dựa trên thiết kế của Liêu Ninh, tàu sân bay được Trung Quốc mua từ Ukraine năm 1998 rồi hoán cải và đưa vào hoạt động năm 2012. Trung Quốc ban đầu định biên chế tàu Sơn Đông đầu năm 2019, nhưng một loạt sự cố trong thử nghiệm khiến tiến độ bàn giao tàu bị chậm 8 tháng.
Các chuyên gia quân sự chỉ ra rằng Sơn Đông vẫn còn tồn tại nhiều điểm yếu lớn về thiết kế và đặc tính kỹ chiến thuật, khiến nó khó có thể hoạt động dài ngày trên biển.
Thiết kế sử dụng động cơ diesel của Sơn Đông khiến tàu ngốn rất nhiều nhiên liệu, phụ thuộc lớn vào tàu hậu cần, trong khi đường băng dạng cầu nhảy hạn chế đáng kể khả năng tác chiến của tiêm kích hạm J-15, vốn đã rất nặng nề và hoạt động chưa ổn định.
Nguyễn Tiến (Theo Global Times)