"Tập gym ra Hà Nội, ăn vỉa hè vào Sài Gòn" - đây là câu nói đùa của nhiều người Việt trong mấy ngày qua về biện pháp phòng dịch Covid-19 khác biệt giữa hai thành phố lớn nhất nước.
Cụ thể, trong khoảng một tuần trở lại đây, khi sinh viên, người lao động trở lại TP HCM học tập, làm việc kéo theo nhu cầu luyện tập thể thao, thể dục tại các trung tâm thể hình tăng lên. Tuy nhiên, theo quy định phòng dịch Covid-19 của UBND TP HCM, toàn bộ các trung tâm luyện tập thể thao (phòng gym) phải đóng cửa từ trưa 9/2 và tiếp tục tái cấm từ ngày 1/3 này. Nhiều người có thói quen tập luyện tại phòng gym đã than vãn rất nhiều trên các hội, nhóm mạng xã hội. Trong khi đó, các hàng ăn uống vẫn duy trì bán hàng có giới hạn khách cùng lúc.
Ngược lại, tại Hà Nội, hệ thống phòng gym vẫn được phép hoạt động bình thường. Theo đó, nhiều thành viên của một chuỗi phòng tập quy mô nhất nước tại thủ đô đã có thể rèn luyện sức khỏe trong không gian quen thuộc. Nhưng các hàng quán vỉa hè, trà đá lại được yêu cầu đóng cửa phòng dịch theo yêu cầu của UBND TP Hà Nội.
Chính vì sự khác biệt này mà cộng đồng mạng ở hai miền đất nước đã có câu nói đùa đùa: "Tập gym ra Hà Nội, ăn vỉa hè vào Sài Gòn". Tương tự, các biện pháp phòng dịch chưa tương đồng khác cũng đã và đang xảy ra rất nhiều tại quy mô tỉnh thành, từ hai lần dịch trước cũng như lần này. Nhiều địa phương đã vận dụng máy móc các công tác chống dịch, khiến các hoạt động giao thương, đi lại của người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều.
Dịch bệnh là điều không ai muốn. Phòng dịch cũng là nghĩa vụ, trách nhiệm mà mỗi công dân, phải chấp hành để chung tay ngăn chặn sự lây lan của virus. Tuy nhiên, tôi cho rằng, các biện pháp phòng chống dịch cũng cần có sự thống nhất và tương đối đồng nhất để tránh hiểu lầm về nguy cơ lây nhiễm.
>> Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.