Xuất phát từ việc không đồng tình với quan điểm "Không thể vừa chống dịch vừa thúc đẩy kinh tế", độc giả Quocdung chia sẻ nhận định: "Chống dịch và kinh tế là hai mặt trận riêng biệt, sao lại không thể cùng làm được? Không có kinh tế, quốc gia đó sẽ trở nên hỗn loạn, lúc đó vừa kiệt quệ về kinh tế, vừa bị dịch bệnh tàn phá, vừa rối loạn an ninh trật tự... Nếu dịch bệnh như một trận bão, biết được thời gian nó kết thúc thì có thể tập trung chống dịch rồi phát triển kinh tế sau. Còn hiện tại, chưa biết lúc nào hết dịch, vậy không lẽ cả thế giới đóng cửa ở nhà? Hơn nữa, khi ta đã hiểu được cơ chế của dịch bệnh thì lựa cách sống chung với nó, muốn hay không cũng phải làm việc, phải thúc đẩy kinh tế".
Đồng quan điểm, bạn đọc Trung hiếu phạm khẳng định: "Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến này. Đợt giãn cách xã hội lần trước như một bước đệm để chúng ta chuẩn bị về kinh nghiệm phòng chống dịch. Nay dịch quay lại, bị ở đâu thì khoanh vùng dập dịch ở đó, những nơi còn an toàn thì tiếp tục phát triển kinh tế. Đó là cơ hội việc làm, sinh kế cho hàng triệu hộ dân. Không thể mỗi lần có ca nhiễm mới là lại giãn cách (mà việc này có thể sẽ còn tiếp diễn trong tương lai), làm như thế nền kinh tế sẽ sụp đổ, nguy hại còn lớn hơn".
Nhấn mạnh tầm quan trọng của kinh tế trong công cuộc chống dịch Covid-19, độc giả Duc Hiep Vo cho rằng: "Với tôi, kinh tế là thứ quan trọng nhất trong các ngành, không có kinh tế tất cả sẽ sụp đổ. Nghèo đói có thể giết chết bất kỳ ai dù trẻ hay khỏe. Dịch bệnh này thực sự nguy hiểm với người già, giờ chúng ta cũng đã có phác đồ điều trị, lực lương truy vết và xét nghiệm được nâng cao, người dân có kiến thức và ý thức phòng dịch. Do đó, chúng ta không phải quá sợ hãi như lúc đầu khi chưa biết về nó. Bởi vậy, cần ưu tiên kinh tế lên hàng đầu".
>> Duy trì kinh tế thế nào trong đại dịch
"Ưu tiên chống dịch nhưng không có nghĩa là lơ là kinh tế. Nhiều ý kiến mang tư tưởng nghỉ đến hết dịch là không phù hợp, bởi rõ ràng là có rất nhiều người đang lo ăn từng bữa và họ không thể chờ. Bạn cứ đói kém, nheo nhóc thì sẽ phải đi tìm miếng ăn thôi. Nếu không có biện pháp dung hòa mà chỉ cấm đoán cực đoan sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội ngay. Và từ an sinh xã hội sẽ tác động đến luôn cả an toàn dịch tễ. Theo tôi, chống dịch nhưng vận hành kinh tế vẫn phải duy trì, đảm bảo mức ổn định", bạn đọc Tiến sỹ Gàn bổ sung thêm.
Lấy ví dụ từ chính kinh nghiệm của bản thân, độc giả Hoàng Phát chia sẻ về tư duy chống dịch: "Đến bây giờ, trên thế giới vẫn chưa hiểu biết đầy đủ về đường lây nhiễm của Covid-19. Tại sao ta không sinh hoạt và làm việc bình thường trong điều kiện phòng dịch tốt nhất? Trang bị và có ý thức phòng dịch thì virus cực khó lây lan. Từ đầu dịch, chúng tôi vẫn đi làm bằng tàu, xe buýt, đeo khẩu trang, kính, không nói chuyện, giữ khoảng cách, không bắt tay nhau, ăn chín uống sôi, ăn theo khẩu phần, không quán xá, hát hơi xổ mũi chạy xe riêng đến khu dịch tễ... Như vậy vẫn rất ổn".
Trong khi đó, liên hệ với các nước trên thế giới, bạn đọc Trai Tim Viet Nam chỉ ra hướng chống dịch hiệu quả nhất cho Việt Nam: "Từ ví dụ của Hàn Quốc và Trung Quốc, chúng ta thấy hoàn toàn có thể vừa chống dịch vừa duy trì, phát triển kinh tế. Nhưng để làm được vậy cần xây dựng một hệ thống xét nghiệm RT-PCR quy mô lớn ở khắp các địa phương, thỏa mãn các điều kiện: nhanh, chính xác và công xuất đủ xét nghiệm quy mô hàng triệu người nghi nhiễm trong vòng một tuần. Cần xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm các ổ dịch phát sinh trong cộng đồng bằng việc: xét nghiệm định kỳ hai tuần một lần với mọi nhân viên y tế, xét nghiệm mọi người có dấu hiệu viêm đường hô hấp. Chi phí cho kiểu chống dịch này sẽ cao nhưng đảm bảo an toàn cho nền kinh tế dù dịch kéo dài nhiều năm, không còn cảnh phải cách ly cả một phường xã hay một thành phố nữa".
Lê Phạm tổng hợp
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trangÝ kiến tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.