Theo chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 được Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng đưa ra tại cuộc họp chiều 15/2, quán ăn đường phố, trà đá, cà phê, điểm di tích, đền chùa sẽ đóng cửa từ 0h ngày 16/2 để ngăn nguy cơ Covid-19 lây lan. Trước đó từ ngày 1/2, Hà Nội đã đóng cửa quán bar, vũ trường, karaoke, dừng các lễ hội.
Là một người dân Hà Nội đang sinh sống và kinh doanh cà phê trên địa bàn thủ đô, tôi đương nhiên ủng hộ các quyết định của thành phố và sẵn sàng hợp tác chống dịch. Quán cà phê của tôi đã được cho đóng cửa ngay khi có chỉ thị của thành phố. Tuy nhiên, nếu như những người dân bình thường khác chỉ có một mối lo duy nhất là dịch bệnh lây lan, thì những hộ kinh doanh cá nhân như chúng tôi lại còn thêm một nỗi trăn trở khác: Làm ăn, sinh sống thế nào trong mùa dịch?
Hà Nội từng trải qua một kỳ giãn cách xã hội hồi tháng 4/2020, và nhiều đợt thắt chặt kinh doanh để phòng chống dịch sau đó. Kể từ đó đến nay, cửa hàng của chúng tôi gần như chỉ kinh doanh cầm chừng, hoạt động ở quanh mức 60-70% so với trước đây. Trong khi đó, tiền thuê mặt bằng, thuê nhân công và các chi phí khác để duy trì hoạt động vẫn phải bỏ ra mỗi tháng. Khó chồng khó, gánh nặng ngày một nhiều, thế nhưng khi chưa kịp khôi phục lại doanh thu sau vài tháng "bình thường mới", nay các hộ kinh doanh lại phải tiếp tục đóng cửa, ngừng hoạt động.
Tôi hiểu tinh thần chung của thành phố là ưu tiên an toàn, sức khỏe của người dân lên trên hết và hoàn toàn ủng hộ quyết định đó. Tuy nhiên, có vẻ chúng ta đang dần quên mất một khía cạnh khác, đó là sinh kế của những người kinh doanh nhỏ lẻ. Những biện pháp tăng cường chống dịch liên tục được đưa ra, nhưng tiếc rằng lại không đi kèm với các giải pháp đảm bảo nguồn sống cho những người bị ảnh hưởng do dịch, đặc biệt là các hộ kinh doanh cá nhân (những đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi vừa phải chống dịch vừa lo thất thu).
>> Những người không 'lãng mạn' mùa dịch
Việc đóng cửa một cửa hàng kinh doanh không khó nếu dựa trên lý do "vì cộng đồng", tuy nhiên đảm bảo cho chủ cửa hàng đó không trở thành trắng tay, sập tiệm mới là điều không đơn giản. Đảm bảo duy trì kinh tế trong thời dịch vẫn luôn là câu hỏi khó đối với những nhà chuyên môn, tuy nhiên không phải vì thế mà chúng ta lại nhắm mắt cho qua, mặc cho những người kinh doanh nhỏ lẻ tự tìm đường sống.
Tôi cho rằng, bên cạnh việc tập trung phòng chống dịch Covid-19 lây lan, thành phố cũng cần xem xét những biện pháp đảm bảo đời sống cho những người kinh doanh cửa hàng như các gói hỗ trợ, giảm giá cho thuê mặt bằng, hoặc nới lỏng biện pháp như cho phép kinh doanh nếu đảm bảo các yêu cầu giãn cách... Một điều chắc chắn là chúng ta sẽ vẫn phải chấp nhận sống chung với dịch bệnh trong một thời gian dài nữa, ngay cả khi đợt dịch này được kiểm soát. Từ giờ cho đến lúc thế giới tìm ra vaccine ngăn chặn đại dịch Covid-19, chúng ta vẫn sẽ phải chấp nhận thích nghi trong bối cảnh "bình thường mới".
Làm sao để đảm bảo sinh kế cho những người kinh doanh cá nhân nhỏ lẻ khi dịch bùng phát, thay vì chỉ đóng cửa là xong? Tôi hy vọng các nhà chuyên môn, các cơ quan quản lý sẽ sớm tìm ra câu trả lời thỏa đáng nhất để tất cả người dân yên tâm đảm bảo cuộc sống và trường kỳ chống dịch.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.