Hai tuần trước, anh Nam đột ngột khó thở, bụng đau, vào Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cấp cứu. Ngày 24/5, BS.CKI Phan Huỳnh Tiến Đạt, khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, cho biết anh Nam bị bí tiểu cấp tính, được tạo một lỗ nhỏ trên xương mu thông vào trong bàng quang để giải phóng nước tiểu dồn ứ. Đây là kỹ thuật mở bàng quang ra da.
Bác sĩ chụp X-quang niệu đạo ngược dòng, phát hiện tại vị trí niệu đạo đi qua tầng sinh môn (nằm giữa hậu môn và bìu) có đoạn chít hẹp gần hoàn toàn, rộng 1 mm, dài khoảng 1 cm.
Bác sĩ Đạt giải thích theo thời gian vết thương do tai nạn giao thông trên niệu đạo của anh Nam dần xơ hóa, dày lên, lấp đầy lòng niệu đạo khiến nước tiểu không thể thoát hết ra ngoài, dồn ngược về bàng quang. Khi lượng nước tiểu dồn ứ vượt sức chứa tối đa của bàng quang, tự động rò rỉ ra ngoài không thể kiểm soát. Tình trạng này gọi là són tiểu do tràn đầy.
Hẹp niệu đạo hiện có thể điều trị bằng nhiều phương pháp như nong rộng, xẻ lạnh, đặt stent và phẫu thuật tạo hình niệu đạo. Tuy nhiên, nong, xẻ lạnh và đặt stent chỉ là giải pháp tạm thời, tỷ lệ tái phát hẹp sau điều trị cao. Với tình trạng nghiêm trọng như anh Nam, phẫu thuật tạo hình niệu đạo là lựa chọn tối ưu do loại bỏ hoàn toàn đoạn hẹp.
Ê kíp áp dụng phương pháp cắt nối tận - tận, mổ rạch một đường dài khoảng 8 cm dọc tầng sinh môn, bóc tách bộc lộ niệu đạo, cắt bỏ mô xơ hẹp rồi khâu nối hai đoạn niệu đạo bình thường vào nhau.
Sau ba ngày phẫu thuật, anh Nam được xuất viện, không còn mang bỉm. Anh cần mang ống thông tiểu hai tuần để dẫn lưu nước tiểu ra ngoài thay cho niệu đạo tạm thời. Ống này sẽ được rút sau khi vết thương phẫu thuật lành.
Theo bác sĩ Đạt, do quá trình mổ không tác động đến cơ hành xốp niệu đạo (nhóm cơ nằm gần tuyến tiền liệt, tham gia vào quá trình cương dương và xuất tinh) nên không ảnh hưởng đến sinh lý của người bệnh.
Hẹp niệu đạo thường gặp ở nam giới do cấu tạo niệu đạo dài hơn nữ giới. Hẹp tại vị trí niệu đạo trước phổ biến nhất trong số ca hẹp niệu đạo, với hẹp niệu đạo hành (đoạn niệu đạo đi qua tầng sinh môn) chiếm gần 47%.
Hiện không thể điều trị hẹp niệu đạo bằng thuốc mà chỉ có thể can thiệp y khoa. Theo bác sĩ Đạt, phẫu thuật tạo hình được xem là "tiêu chuẩn vàng" trong điều trị hẹp niệu đạo, hiệu quả nhất, đến hơn 90%. Tùy vị trí, chiều dài đoạn hẹp, mức độ hẹp, bác sĩ tạo hình bằng kỹ thuật cắt nối tận - tận, tạo hình bằng vạt da có cuống hoặc niêm mạc miệng.
Hẹp niệu đạo nếu không điều trị sớm có thể khiến gây bí tiểu hoặc dồn ngược lên bàng quang, són tiểu do tràn đầy. Nước tiểu rỉ ra liên tục tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển dẫn đến nhiễm trùng tiểu. Nước tiểu có thể trào ngược lên thận, gây ứ nước thận, nguy cơ hình thành sỏi thận, suy giảm chức năng thận, nhiễm trùng thận.
Bác sĩ Đạt khuyến cáo nam giới có biểu hiện tiểu khó, bí tiểu, tiểu lắt nhắt, tiểu không hết, dòng nước tiểu yếu bất thường; nhất là người có tiền sử viêm niệu đạo, can thiệp y khoa qua niệu đạo, từng gặp chấn thương tại vùng chậu và tầng sinh môn, cần đến bệnh viện khám, điều trị phù hợp.
Thắng Vũ - Đức Trí
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp |