Nhằm hạn chế tình trạng lái xe có nồng độ cồn gây mất an toàn, mới đây, CSGT TP HCM đã đề nghị nhiều chủ quán phối hợp, thường xuyên nhắc nhở khách chấp hành nghiêm quy định pháp luật, báo tin cho cảnh sát khi thấy khách uống rượu, bia nhưng lái xe.
Đầu tiên, tôi rất hoan nghênh tinh thần quyết liệt xử lý tình trạng lái xe sau khi sử dụng rượu, bia của CSGT TP HCM. Đây là vấn nạn nhức nhối trong xã hội từ rất nhiều năm qua nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để. Chúng ta mới chỉ có những đợt ra quân làm mạnh trong một thời gian ngắn nhất định, rồi sau đó lại chìm xuống và các ma men vẫn ngang nhiên lái xe ra đường, gây nguy hiểm, thậm chí là tai nạn chết người.
Tuy nhiên, riêng về việc đề nghị chủ quán báo tin cho cảnh sát khi thấy khách say xỉn vẫn lái xe, thì tôi cho rằng không khả thi. Bởi tôi tin chẳng chủ quán nào làm vậy với khách của mình, làm thế chẳng khác nào tự làm xấu hình ảnh của quán, ảnh hưởng đến doanh thu. Thế nên, cùng lắm họ cũng chỉ nhắc nhở khách để xe ở lại và bắt taxi về mà thôi. Chuyện đề nghị chủ quán báo tin cho CSGT dường như chỉ mang tính hình thức, khẩu hiệu, chứ thiếu thực tế.
Ở đây, tôi cho rằng, việc phối hợp giữa CSGT và các chủ quán nhậu là cần thiết, những cần xác định rõ ranh giới. Việc phát hiện sai phạm, dùng biện pháp hạn chế, xử phạt thế nào là nhiệm vụ của CSGT. Còn chủ quán không có đủ thẩm quyền để làm điều đó, ngay cả ngăn khách của mình lái xe. Thay vào đó, các chủ quán có thể cho treo biển "không lái xe sau khi đã uống rượu, bia", mở dịch vụ vận chuyển khách về nhà, trông xe qua đêm...
>> Ngăn người uống rượu bia lái xe không chỉ trông chờ vào cảnh sát
Để hạn chế tình trạng lái xe sau khi uống rượu, bia, theo tôi, CSGT nên lập những tổ kiểm soát tại các khu vực có nhiều quán nhậu, như đã làm thời gian trước để kịp thời phát hiện và xử lý những vi phạm. Việc này nên được thực hiện liên tục, thời gian dài để chấn chỉnh ý thức tài xế, thay vì chỉ ra quân làm mạnh vài tuần rồi lại thôi. Ngoài ra, địa điểm lập chốt cũng cần thay đổi thường xuyên, giữ bí mật để tránh bị qua mặt. Thậm chí, có thể xử phạt cả những chủ quán mách nước cho khách nhậu né chốt kiểm tra.
Điều quan trọng nhất ở đây là CSGT phải kiên quyết xử thật nghiêm những người vi phạm sau khi kiểm tra nồng độ cồn. Bên cạnh việc tăng nặng xử phạt hành chính, có thể kết hợp tịch thu phương tiện, tước giấy phép lái xe, hoặc xử lý hình sự trong các trường hợp vi phạm nghiêm trọng, gây hậu quả lớn. Song song đó, có thể tổ chức ghi hình người vi phạm, công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng để răn đe, cảnh cáo và làm gương. Làm như vậy, tôi tin sẽ đem lại những tác động tích cực đến hành vi của người tham gia giao thông.
Tôi nghĩ rằng, quán lý nên nhất quán và đồng bộ, phải kiên quyết xử phạt thật nặng cách hành vi vi phạm pháp luật như lái xe khi có nồng độ cồn, và đây phải là trách nhiệm của lực lượng chức năng chứ không phải của người bán.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.