Bộ Tài chính đang lấy ý kiến để tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với các đồ uống có cồn (bia, rượu), nước ngọt, để bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2022-2023.
Hiện mức thuế tiêu thụ đặc biệt với bia là 65%, rượu 35-65% tùy độ cồn dưới hay trên 20 độ. Bộ cho rằng việc tiêu thụ, sử dụng các mặt hàng nhất là rượu, bia tăng nhanh nên cần tăng thuế để kiểm soát.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát Việt Nam (VBA), cho rằng việc Bộ Tài chính phải đảm bảo nguồn thu ngân sách thông qua tăng thuế là cần thiết, nhưng chưa nên thực hiện với bia, rượu, ít nhất tới 2025.
Theo ông, các doanh nghiệp ngành đồ uống chưa hồi phục sau gần 3 năm chịu tác động từ dịch bệnh. Lợi nhuận được dự báo chưa cải thiện do giá của các nguyên vật liệu đầu vào (malt, xăng dầu, vỏ lon) tăng ít nhất 20%; xung đột Nga - Ukraine khiến chuỗi cung ứng đứt gãy.
Giá đầu vào sản xuất tăng nhưng các doanh nghiệp ngành đồ uống cố gắng duy trì, không tăng giá bán. Việc tăng thuế trong giai đoạn phục hồi này sẽ khiến khó khăn của họ trầm trọng hơn.
"Lộ trình tăng cần hợp lý hơn, nên lùi lại ít nhất một năm nữa, tức tới 2025", ông Việt kiến nghị.
Tương tự, với dự kiến đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường (nước ngọt), VBA cũng đề nghị lùi thời gian thêm 1-1,5 năm.
Theo số liệu thống kê, lượng đường trung bình trong sản phẩm nước ngọt khoảng 10-15 gram, còn trong kem hay kẹo cao gấp 3-5 lần, dao động 22-70 gram. Lượng tiêu thụ nước ngọt bình quân mỗi người dân Việt Nam thấp hơn nhiều nước, như năm 2019 gần 51 lít, trong khi Trung Quốc là 61 lít, Nhật Bản là 116 lít.
Đại diện VBA cho rằng, nước ngọt không phải nguyên nhân gây bệnh béo phì, áp thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm này không giúp giảm tình trạng thừa cân béo phì. Ngoài ra, cách tính thuế và lộ trình tăng vẫn theo cách tính tương đối, tức là tăng phần trăm thuế suất theo lộ trình. Điểm hạn chế của cách tính này là không theo chất lượng, độ đường sản phẩm.
Lộ trình tới đây, VBA cho rằng, nhà chức trách nên tính thuế theo hàm lượng đường, xây dựng thói quen, thúc đẩy tiêu dùng có trách nhiệm của người dân.
Chẳng hạn, tại Anh, nước ngọt có tỷ lệ đường trong sản phẩm càng cao thì chịu thuế càng nhiều. Như đồ uống không đường, hoặc độ đường ít hơn 6% thì thuế suất là 0%. Đồ uống chứa đường 6% đến dưới 8% thì mức thuế tương đương 68 đồng một lít; thuế suất tương ứng 344 đồng một lít nếu chưa 10-14% đường.
Hiện có 50 quốc gia thu loại thuế này với nước ngọt. Tại khu vực Đông Nam Á có 6 nước, gồm Thái Lan, Philippines, Malaysia, Lào, Campuchia, Myanmar áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt. Một số quốc gia khác tại châu Á có mức tiêu thụ nước ngọt cao như Trung Quốc, Hàn Quốc Nhật Bản thì chưa áp loại thuế này.
Với Việt Nam, đây không phải lần đầu Bộ Tài chính muốn áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt. Năm 2014, ý tưởng này cũng được đưa ra với mức thuế suất cụ thể là 10% nhưng nhiều bộ, ngành không đồng thuận.
Việc lùi thời gian đánh thuế này với sản phẩm nước ngọt thêm 12-18 tháng nữa, theo VBA, để cơ quan quản lý thêm thời gian phân tích, đánh giá toàn diện hơn và xây dựng lộ trình áp thuế phù hợp, tránh tác động tiêu cực tới người tiêu dùng, doanh nghiệp.