Tuyến tiền liệt thuộc hệ sinh dục nam, cùng với những túi tinh nằm ngay cửa ngõ của bàng quang, bao quanh ống niệu đạo. Tuyến gồm hai thùy, kích thước nhỏ như hạt đậu, bắt đầu phát triển từ tuổi dậy thì. Nó có trọng lượng khoảng 20 gram vào tuổi trưởng thành khoảng 30 tuổi, hình dạng giống như hạt dẻ.
Tuyến nằm ở phần sau - dưới của khớp mu, ngay trên hành tiết niệu sinh dục và trước bóng trực tràng, sau dưới bàng quang, xung quanh đầu gần của niệu đạo. Do đó, bác sĩ có thể thăm khám tuyến tiền liệt qua đường hậu môn bằng tay.
Tuyến tiền liệt có hai chức năng gồm:
Chức năng sinh dục: đây là chức năng chính, tiết ra chất dịch góp phần tạo ra tinh dịch làm môi trường vận chuyển tinh trùng.
Chức năng vận chuyển: cả hai đường dẫn tinh và dẫn nước tiểu đều qua tuyến tiền liệt nên tuyến tham gia vào quá trình xuất tinh và tiểu tiện.
Theo Thầy thuốc ưu tú, Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Lê Chuyên (Giám đốc Trung tâm Tiết niệu Thận học - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM), tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt hoặc phì đại tiền liệt tuyến (Benign Prostatic Hyperplasia - BPH) là một u lành thường gặp nhất ở nam giới trung niên. Nếu để bệnh kéo dài sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các cơ quan khác.
Nguyên nhân
Nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng này vẫn chưa được giải thích rõ ràng. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy có mối liên quan chặt chẽ tình trạng này với tuổi tác và những thay đổi nội tiết liên quan đến tuổi bao gồm androgen lưu hành và dihydro-testosteron.
Bệnh không xảy ra ở nam giới đã bị cắt tinh hoàn hoặc tinh hoàn mất chức năng từ trước khi dậy thì. Ở bệnh nhân tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt, nếu cắt tinh hoàn sẽ gây teo biểu mô tuyến tiền liệt.
Tuyến tiền liệt và vỏ tuyến tiền liệt có cấu tạo gồm tổ chức đệm và tổ chức tuyến, có sự cân bằng giữa hai tổ chức này. Khi tổ chức sợi và tổ chức liên kết nhiều hơn sẽ phát triển thành các u lành. Phân tích cho thấy dấu hiệu tiên phát của bệnh là phì đại tổ chức đệm, quá sản tổ chức sợi và tổ chức liên kết, giảm chức năng tuyến.
Trong tổ chức tuyến tiền liệt có hệ thống thần kinh tự động gây co thắt khi bị kích thích, là nơi tập trung rất nhiều thụ cảm aldrenergic điều phối sự co thắt cơ trơn. Vì vậy, tồn tại hai cơ chế gây tắc nghẽn đường tiểu là tuyến tiền liệt phì đại, chèn ép vào niệu đạo, cản trở đường tiểu gây tắc nghẽn; tuyến tiền liệt phì đại, kích thích những cảm thụ quan aldrenergic, tạo phản xạ co thắt cơ trơn co thắt cổ bàng quang và niệu đạo gây ra triệu chứng kích thích.
Triệu chứng
Bệnh tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt gây ra tình trạng rối loạn đi tiểu biểu hiện bằng hội chứng kích thích và hội chứng bế tắc đường tiểu dưới.
Hội chứng bế tắc bao gồm: bí tiểu, tiểu phải rặn, tiểu ngắt quãng, tia nước tiểu yếu... Người bệnh luôn có cảm giác đi tiểu không hết.
Hội chứng kích thích bao gồm: tiểu lắt nhắt (tiểu rắt), tiểu gấp, tiểu đêm. Bệnh nhân có thể không nhịn được đi tiểu, sinh són tiểu... Những triệu chứng này giống với triệu chứng của các nguyên nhân khác gây tắc đường tiểu như ung thư bàng quang, giảm áp lực bàng quang do cơ chế thần kinh hoặc nhiễm khuẩn tiết niệu.
Các triệu chứng trên được đánh giá theo bảng điểm quốc tế IPSS (International Prostate Symptom Score) dùng để đánh giá và theo dõi rối loạn tiểu tiện ở bệnh nhân.
Sự cản trở đường tiểu làm cho bệnh nhân không tiểu được hết, nước tiểu tồn động nhiều gây nhiễm trùng đường tiết niệu và sỏi bàng quang. Hơn nữa, áp lực trong bàng quang tăng lên có thể dẫn đến phì đại cơ bàng quang, ứ nước ở thận và túi thừa bàng quang.
Điều trị bệnh tăng sinh tuyến tiền liệt
Không phải tất cả bệnh nhân tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt đều phải can thiệp điều trị. Những trường hợp nhẹ sẽ không cần điều trị nội khoa và phẫu thuật. Bệnh nhân chỉ cần điều trị nếu có rối loạn đi tiểu và dấu hiệu bế tắc, dựa vào thang điểm chất lượng cuộc sống mà có hướng điều trị thích hợp.
Điều trị ngoại khoa tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt được áp dụng khi người bệnh gặp những trường hợp sau:
- Điều trị nội khoa thất bại.
- Bí tiểu cấp không cải thiện sau khi rút thông niệu đạo bàng quang mà bệnh nhân vẫn không tiểu được.
- Bí tiểu mạn tính, nước tiểu tồn lưu trên 100 ml.
- Nhiễm trùng tiểu hoặc tiểu máu tái phát.
- Túi thừa lớn ở bàng quang, sỏi bàng quang.
- Suy thận bởi nguyên nhân do tăng sinh tuyến tiền liệt.
- Ngược dòng niệu quản - bàng quang.
- Mở bàng quang ra da đã ổn định.
Tùy trường hợp, phương pháp điều trị ngoại khoa tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt có thể được áp dụng là:
- Mổ mở bóc bướu qua ngả bàng quang.
- Điều trị niệu đạo bằng nhiệt vi sóng.
- Sử dụng kim nhiệt qua niệu đạo hủy tuyến tiền liệt.
- Sử dụng laser cắt tuyến tiền liệt.
- Bốc hơi tuyến tiền liệt bằng ánh sáng xanh.
Phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt qua nội soi niệu đạo (TURP) sẽ được chỉ định khi bướu tuyến tiền liệt có thể tích tuyến dưới 80 cm3.
Anh Ngọc