Việt Nam đang ngày càng phụ thuộc vào điện năng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong khi sử dụng điện không hiệu quả. Vòng luẩn quẩn thiếu điện, đầu tư nguồn và lưới điện, tăng trưởng, lại thiếu điện... từ lâu đã như một căn bệnh kinh niên ở nước ta. Suốt 20 năm nay, người dùng điện sinh hoạt và kinh doanh phải trả giá điện cao hơn giá bình quân để hỗ trợ cho khối sản xuất công nghiệp. Điều phi lý là khối sản xuất công nghiệp tiêu thụ đến một nửa lượng điện năng của cả nước, trong khi điện sinh hoạt chỉ chiếm một phần ba và điện dùng trong thương mại - dịch vụ chỉ chiếm 5%.
Làm gì để thoát khỏi cái bẫy điện năng? Độc giả Vi Vu chia sẻ quan điểm:
Suy nghĩ đầu tiên của tôi là có thể tăng giá điện sản xuất. Đây là điều phù hợp khi đất nước ta không dư dả tài nguyên năng lượng sẵn có, thậm chí là đang trên xu hướng thu hẹp dần: thủy điện bị ảnh hưởng từ nước thượng nguồn và do biến đổi khí hậu; năng lượng hóa thạch mắc kẹt vì cam kết; năng lượng tái tạo chưa có đủ công nghệ đáp ứng; năng lượng hạt nhân vẫn còn nhiều e ngại.
Chúng ta nên điều chỉnh giá điện sản xuất riêng cho từng vùng (miền Bắc, Trung, Nam) để phù hợp với cung - cầu điện năng tiêu thụ của mỗi vùng thay vì áp dụng giá chung thống nhất cho cả nước. Tất nhiên điều này chỉ thực hiện được khi thủ tục, cơ chế không quá phức tạp.
Quy hoạch kinh tế vùng có lẽ cũng sẽ cần điều chỉnh theo hướng giảm các nhà máy tiêu hao điện ở miền Bắc và tăng nhà máy tiết kiệm điện năng, hoặc tăng doanh nghiệp dịch vụ, nhà máy sản xuất ở miền Trung và Nam, dịch chuyển nhà máy hao điện từ miền Bắc vào miền Trung và miền Nam, và ngược lại.
Đồng thời, cũng cần hỗ trợ mặt nào đó để các doanh nghiệp sản xuất - nhất là các doanh nghiệp nhà nước - đổi mới công nghệ tiết kiệm điện (vì thông thường phải mất cả chục năm doanh nghiệp mới chịu thay đổi công nghệ), ưu tiên những công nghệ hay quy trình tiết kiệm điện do doanh nghiệp trong nước sản xuất được.
>> 'Xây mức giá cạnh tranh để không còn khổ vì mất điện'
Khi giá điện sản xuất của một vùng tăng dần thì cơ cấu kinh tế vùng đó có lẽ sẽ dần tự thay đổi theo hướng giảm quy mô các ngành sản xuất tốn điện (các ngành công nghiệp nặng) và tăng quy mô ngành dịch vụ và các ngành công nghiệp ít tốn điện...
Và có lẽ, khả năng cạnh tranh về giá của hàng hóa xuất khẩu của vùng cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều (cho đến khi cơ cấu kinh tế của vùng điều chỉnh xong), cũng như có thể có xáo trộn trong cơ cấu lao động.
Những tác động kinh tế này nặng hay nhẹ sẽ tùy vào lộ trình tăng giá điện sản xuất nhanh hay chậm, cùng với chính sách hỗ trợ lao động (chuyển đổi kỹ năng hoặc chính sách an sinh đối với lao động không có khả năng học tập để thích nghi) và chính sách hỗ trợ công nghệ tiết kiệm điện có hiệu quả hay không, cũng như sự điều chỉnh quy hoạch vùng cho các ngành sản xuất có phù hợp hay không?
Tuy nhiên, đây có lẽ là những hạn chế ngắn hạn trong vài năm vì doanh nghiệp tư nhân thường rất năng động, cộng với nỗ lực của nhà nước. Hy vọng sau đó cái bẫy thiếu điện sẽ được giảm bớt. Nếu không, chúng ta vẫn có thể lùi lại chính sách giá điện một chút - tức là lại giảm giá điện sản xuất lại một chút cho phù hợp.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.