"Phát triển quá nhiều điện gió, mặt trời có thể gây tăng giá điện. Vì thế, việc phát triển cần được cân nhắc ở mức độ phù hợp với lưới điện, khả năng vận hành", đó là quan điểm của Bộ Công thương trước tốc độ phát triển nhanh của điện mặt trời.
Trong khi đó, nhiều ý kiến khác lại đặt dấu hỏi xung quanh quan điểm này. Có người cho rằng như thế thật nghịch lý. Độc giả Một mình thắc mắc: "Người dân đang phải trả một giá điện cao trên trời. Nay chúng ta xây dựng thêm điện mặt trời và điện gió để giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt điện. Vậy lý do nào để giá điện phải tăng? Đặc biệt là cứ tăng vào mùa hè, khi lượng điện mặt trời, điện gió cung cấp bổ sung không hề nhỏ?".
Đồng quan điểm, bạn đọc Nguyễn Thanh Bảo cho rằng: "Tại sao phát triển quá nhiều điện gió, mặt trời có thể gây tăng giá điện? Vậy thử hỏi, nếu ngược lại, không phát triển điện năng lượng sạch thì giá điện sẽ ra sao, có giảm không? Trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp đang gồng mình với bão giá và đứt gãy vật liệu vận chuyển do giá xăng dầu như hiện nay, tại sao giá điện vẫn đang rục rịch tăng trong khi nguồn điện mặt trời, điện gió ngày một nhiều?".
"Không thể hiểu nổi cách giải thích này. Theo nguyên tắc bất biến từ xưa tới nay thì càng cạnh tranh, cung lớn hơn cầu thì giá càng giảm. Nay điện mặt trời phát triển lại khiến giá điện tăng khác nào một nghịch lý? Theo tôi, quan trọng là cách quản lý, và vận hành chặt chẽ mạng lưới điện thế nào mà thôi. Không thể vì không đủ sức quản lý mà đi ngược lại xu hướng tất yếu", độc giả Nguyen Duy nói thêm.
>> Lối ra cho điện mặt trời mái nhà
Đánh giá về sự phát triển ồ ạt của điện mặt trời ở Việt Nam trong thời gian qua, nhiều độc giả VnExpress cho rằng lợi bất cập hại. Bạn đọc Việt Dũng chỉ rõ: "Điện mặt trời nghe thì hay nhưng thực tế khá bất cập. Vì đặc thù của điện mặt trời là chỉ sản xuất được khi ban ngày, dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết (trời thiếu nắng hoặc thời tiết thay đổi). Vì thế, nếu đầu tư dự án lớn hoặc cực lớn cũng chỉ cung ứng được vào những điều kiện lý tưởng. Còn những điều kiện không lý tưởng như ban đêm thì lại thiếu hụt.
Vì thế, mặc dù phải đầu tư nhiều tiền của vào hệ thống điện mặt trời, nhưng vẫn không thể thiếu được điện truyền thống như than, thủy điện... Cuối cùng dẫn tới điện vừa thiếu nhưng lại vừa thừa. Ngoài ra, hệ thống truyền tải, chưa đáp ứng được với nguồn điện tăng đột biến, gây nên thất thoát điện. Từ đó tạo ra lãng phí, mà lại không thể tận dụng được hết lượng điện. Đó là lý do chi phí bị tăng lên".
Bạn đọc Liguoxiong nhấn mạnh những hệ lụy tiêu cực của việc phát triển điện mặt trời thiếu kiểm soát: "Về nguyên tắc, điện mặt trời phải có nguồn dự trữ để khi hết nắng, mất điện, nguồn dự trữ sẽ phát bù vào. Trong khi đó, thời gian vừa qua, điện mặt trời phát triển ồ ạt mà không có nguồn dự trữ, vậy khi tắt nắng lấy nguồn đâu ra? Có một điểm cần lưu ý nữa là phụ tải không đều, có thời điểm cần công suất cao, có thời điểm thấp, nhưng nguồn điện phải đáp ứng được tải ở công suất cao để sẵn sàng khi cần.
Trong khi thủy điện đã phát triển hết khả năng, nhiệt điện cũng xây dựng hạn chế vì ô nhiễm, nhiên liệu cạn kiệt và đắt; vậy khi tắt nắng, điện mặt trời không phát, chúng ta sẽ lấy điện ở đâu để dùng? Cho nên nếu cứ phát triển ồ ạt sẽ xảy ra câu chuyện ngày nắng điện dư thừa, còn đến tối hoặc không nắng thì cúp điện, khi đấy kêu ai?".
>> 'Tiết kiệm 5 triệu đồng mỗi tháng nhờ điện mặt trời mái nhà'
Điện năng lượng tái tạo đang phát triển rất nhanh trong thời gian ngắn với công suất lắp đặt tăng nhiều lần so với quy hoạch đề ra. Đến hết 31/12/2020, tổng công suất đặt điện mặt trời mặt đất là hơn 8.570 MW, còn điện mặt trời mái nhà có công suất đặt lên tới 9.300 MW với hơn 100.000 công trình. Tuy nhiên, hệ quả của tình trạng này là giá thành sản xuất điện từ các nguồn điện năng lượng tái tạo cao hơn so với các nguồn điện truyền thống, gây sức ép tăng giá bán lẻ điện. .
Việt Thành tổng hợp
>> Nhà bạn có đang sản xuất điện mặt trời? Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.