Nói về câu chuyện kiểm soát giá bất động sản trong nước, tôi thấy nhiều quốc gia triển khai đánh thuế bất động sản hàng năm và đạt được nhiều lợi ích từ nhiều năm trước. Có thể nói, giá bất động sản ở Việt Nam hiện nay đang cao một cách vô lý, không tương xứng với thu nhập bình quân của người dân. Thực trạng này chủ yếu là do các chiêu trò bơm thổi giá đất, dùng đòn bẩy để đầu cơ bất động sản... Và khi giá đất tăng ảo cao quá, sẽ diễn ra sự kiện "bong bóng bất động sản".
Năm 1990, khi giá đất tại Nhật Bản lên cao quá, nhưng tỷ lệ bất động sản với thu nhập người dân thấp. Sau khi diễn ra sự kiện "bong bóng bất động sản" năm 1990, Nhật Bản đã trải qua hơn hai thập kỷ mất mát. Hiện nay, sau 33 năm, giá bất động sản tại Nhật Bản hiện tại vẫn chưa thể bằng 40% so với năm 1990.
>> 'Thuế bất động sản thứ hai tạo hạn mức sử dụng đất'
Có một quy luật là lãi suất ngân hàng càng cao thì giá đất càng giảm, thuế bất động sản hàng năm càng cao thì giá đất sẽ càng giảm (nhất là đánh mạnh thuế vào nhóm bất động sản đầu cơ). Vừa rồi, có chuyện các doanh nghiệp bất động sản bình thường lãi hàng chục nghìn tỷ một năm, giờ đảo chiều thua lỗ nhưng lập tức kêu gọi giải cứu, rất nực cười.
Trong khi đó, các ngành dịch vụ, du lịch, khách sạn thua lỗ đậm suốt mấy năm qua nhưng họ đâu có kêu cứu? Rồi doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, công nhân mất việc, dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng... đáng lẽ đó mới là những đối tượng cần được giải cứu trước, vì họ tạo ra giá trị đối với xã hội.
Tôi cho rằng, chúng ta có thể nghiên cứu đánh thuế bất động sản hàng năm như các quốc gia khác trên thế giới, nhằm tránh đầu cơ, thổi giá đất. Các nước khác đánh thuế này từ 2-3% thì chúng ta có thể áp dụng mức 1-2%. Việc này càng làm sớm sẽ càng tốt.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.