Xung quanh đề xuất đánh thuế bất động sản thứ hai đang được TP HCM dự tính áp dụng, tôi thấy có không ít ý kiến phản đổi, cho rằng thiếu khả thi, không đảm bảo công bằng, hoặc có thể dẫn tới nhiều hệ lụy về giá đất. Nhiều người còn than khóc, bảo rằng: "Tiền trong ngân hàng, cho đối tượng nào, ngành nghề nào vay mà chẳng lấy tiền lãi về, sao lại kìm hãm bên bất động sản vậy? Thậm chí lãi suất cho vay mua nhà cao hơn cũng được, miễn là cho họ vay dễ dàng như xưa".
Nhưng họ không biết rằng, dòng tiền đó nếu không đổ vào bất động sản (vì quá dễ kiếm lời) thì sẽ được đưa qua các lực vực sản xuất, kinh doanh khác. Nếu không cho dân đầu tư bất động sản vay thì ngân hàng thừa tiền phải làm sao? Không sao cả, tiền cho vay không hết, tức là cung nhiều hơn cầu, lãi suất cho vay ắt sẽ giảm. Khi đó sẽ kéo theo giảm lãi suất huy động, giảm nguồn tiền vào (không lo dư tiền để cho vay). Và tiền nhàn rỗi trong dân sẽ được người dân mang đi đầu tư, sản xuất... Thành quả là kìm chế được lạm phát. Đó là cách mà người Nhật đã áp dụng và rất thành công trong những năm qua.
Cứ nhìn vào thực tế hiện nay để thất bất cập. Trong khi 20-30 năm trước, người lao động làm việc, dành dụm chỉ khoảng 5-10 năm là mua được nhà (hoặc mua đất rồi cất nhà). Thêm nữa, bỏ qua trượt giá, công ty nước ngoài vào đầu tư khoảng 20-25 năm trước cũng chỉ phải bỏ ra khoảng 900 triệu đồng cho xây dựng nhà xưởng, máy móc... và 100 triệu đồng cho việc thuê đất, mua đất. Nhưng nay, họ phải bỏ ra tận 500 triệu chỉ riêng cho việc mua hoặc thuê đất.
Cuối cùng, vì đội vốn, lợi nhuận đều đưa vào vốn và các chi phí khác... hậu quả là lương thưởng của người lao động không tăng, kèm theo nộp thuế ít hoặc bằng "0" (vì chưa có lợi nhuận làm sao nộp thuế?). Kết cục là người lao động làm mãi cũng không đủ tiền mua nhà.
>> 'Thuế bất động sản thứ hai để điều tiết nguồn đất bán ra'
Tôi ở Bình Dương, thuộc một huyện mà nay đã lên thành phố thuộc tỉnh. Những năm 1990, một mẫu ruộng, ra vào bằng đường bờ, vác lúa đi được, giá chỉ từ 1,5-2 cây vàng, tương đương 6-9 triệu đồng. 15 năm sau, năm 2011, người ta mở con đường mới với ba làn xe mỗi bên, từ các khu công nghiệp Mỹ Phước về Đồng Nai, TP. HCM, giá đền bù theo bảng giá do nhà nước quy định (gần sát giá thị trường) là 4-5 tỷ đồng một mẫu (tương đương 150 cây vàng, ruộng xa dự án con đường nhất). Tức là giá đất tại đây đã tăng ít nhất 6 lần.
Chính việc giá đất tăng chóng mặt như thế đã dẫn đến thực trạng nhân viên văn phòng, công nhân... đang trong giờ làm việc, nhưng cứ ngóng thông tin về mảnh đất mình đã, sắp hoặc sẽ mua. Cũng từ "sốt đất" mà người người giàu lên nhanh chóng, sở hữu vài bất động sản nhưng vẫn để hoang chờ lên giá kiếm lời, dù họ chỉ lương "ba cọc ba đồng". Đó là một thực tế đáng lo ngại.
Nên nhớ rằng, dòng tiền đổ vào bất động sản ở ta hiện nay rất lớn. Ngành bất động sản ước tính hàng năm đóng góp gần 8% GDP, chưa kể khả năng lan tỏa đến trên 40 ngành kinh tế quan trọng khác. Quy mô của ngành bất động sản vì thế là rất lớn. Trong khi đó, ở Nhật Bản và nhiều nước phát triển, chính phủ không khuyến khích người dân gửi tiền vào ngân hàng để hưởng lãi mà kích thích người dân đem tiền đi đầu tư.
Tôi thừa nhận rằng, bất động sản cũng tạo công ăn việc làm cho một bộ phận không nhỏ người trong xã hội. Nhưng giá trị đó là quá nhỏ so với những hệ lụy từ việc bùng nổ đầu cơ nhà, đất. Hiện tỷ lệ sở hữu nhà ở Việt Nam không hề thấp chút nào (88,1%). Thậm chí, không cần xây dựng mới, chỉ cần hoàn thiện những căn đang dở dang có khi cũng đủ cho nhu cầu thực về nhà ở cho người dân trong 2-3 năm nữa. Chính vì vậy, cần phải siết thuế đất, kiểm soát chặt giá bất động sản.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.