Con tôi mới ngày đầu tiên đi học lớp một đã phải tự viết thứ, ngày, tháng theo cô giáo trên bảng. Đi học được khoảng một tháng, tôi thấy cô bắt con phải viết chính tả (dù chỉ là đọc, viết theo cô). Số lượng từ mới mà con phải học mỗi ngày thật sự rất nhiều, không ít từ khó, mang tính địa phương... Với môn Toán, ngay những bài đầu tiên, con đã học hình học không gian (nhận biết hình lập phương, hình khối trụ, hình khối tròn...).
Đi họp phụ huynh giữa học kỳ I, cô giáo nhận xét có hơn một nửa học sinh trong lớp chưa đọc thông, viết thạo, trong đó có hơn 10 bạn vẫn còn 'mù chữ'. Tôi thấy chương trình cho học sinh lớp một ngày nay chẳng khác nào đào tạo thiên tài. Sang lớp 2 học sinh đã phải học phép nhân, chia, xác suất thống kê ở dạng cơ bản (đoán số lượng)... Ngay cả phụ huynh như tôi còn phải áp lực khi nhìn vào lượng kiến thức cấp tiểu học mà các con phải tiếp thu".
Đó là chia sẻ của độc giả RĐ về chương trình dạy và học với học sinh lớp một. Thực tế, rất nhiều phụ huynh có chung tâm lý sốt ruột vì "con mình chưa biết chữ gì" khi mới vào tiểu học. Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định các trường mầm non không dạy chữ cho trẻ. Tuy nhiên, việc cho con học tiền tiểu học để đọc thông viết thạo, làm toán nhanh trước khi vào lớp một đã và đang trở thành một cuộc đua với các bậc cha mẹ.
>> Cú sốc 'duy nhất con mình chưa biết chữ khi vào lớp một'
Cùng chung nỗi trăn trở vì khối lượng kiến thức lớn mà con phải tiếp nhận từ lớp một, bạn đọc Phannghia đặt dấu hỏi: "Con tôi vừa hoàn thành chương trình lớp một. Quả thật, chương trình lớp một bây giờ rất khác so với ngày trước tôi được học. Mỗi lần ngồi vào bàn học cùng con, thấy con đọc, viết, rồi làm toán, tôi lại ngơ ngác, ngỡ ngàng, với hàng tá câu hỏi: vì sao trẻ lớp một đã phải học những thứ như vậy rồi? Các nhà giáo dục muốn gì ở em trẻ ngày nay?
Khi xưa, tôi vào lớp một mới bắt đầu tiếp cận mặt chữ, và tập làm quen các con số. Vậy mà giờ đây, các bé lớp một học ngày hai buổi sáng - chiều, đã phải nghe đọc để viết một đoạn văn 5-7 câu, đọc một đoạn văn để trả lời các câu hỏi, cộng trừ hai con số... Con mà theo được thì tôi đánh giá là quá giỏi rồi, chắc chắn hơn ba mẹ ngày xưa rất nhiều.
Tôi thật sự chỉ muốn con về nhà được nghỉ ngơi, vui chơi, không bị ép học, cảm thấy vui vẻ thì học, có cảm giác hết tập trung, hoặc mỏi tay, mỏi miệng, không vui vẻ nữa là tôi cho nghỉ đi chơi. Lớp một việc gì phải bắt các bé đọc thông viết thạo, làm toán nhanh?".
So sánh với chương trình giáo dục ở các nước phương Tây phát triển, độc giả Nam Phong nhận định: "Gia đình tôi đang sống và làm việc tại châu Âu, nên con tôi cũng được giáo dục theo môi trường bên này. Tôi không sính ngoại nhưng thích cách giáo dục ở đây. Khi con học mẫu giáo, hoạt động trên trường chỉ là ca, múa, hát, thỉnh thoảng có hoạt động dã ngoại để xem cây cối, con vật, lễ Tết thì được cùng nhau làm đồ trang trí mang về tặng ba mẹ ông bà. Ngoài ra, các cô trên lớp sẽ dạy các kỹ năng trong sinh hoạt hằng ngày như giữ vệ sinh cá nhân, kỹ năng giao tiếp xã hội...
Lên lớp một, con mới bắt đầu được làm quen với mặt chữ, con số. Mỗi lần họp phụ huynh, giáo viên sẽ họp riêng từng cha mẹ, không tiết lộ kết quả học tập của các bạn khác. Nhờ đó, phụ huynh sẽ nắm được sự phát triển con mình, tránh được sự so sánh với nhau. Nếu so với các bé bằng tuổi ở Việt Nam, có thể con tôi không bằng về đọc, viết, tính toán, nhưng có một điều con chắc chắn hơn là sự tự tin và tự lập, đúng với lứa tuổi của bé trong cuộc sống hằng ngày. Thiết nghĩ, không biết bao giờ những người làm giáo dục ở ta mới thực sự định hướng giáo dục mầm non và tiểu học được như vậy".
>> 'Sợ con bị sốc vì không biết chữ trước khi vào lớp một'
Thay vì chạy theo cuộc đua cho con học tiền tiểu học để đọc thông, viết thạo như nhiều gia đình khác, bạn đọc D&N chọn cách giảm áp lực cho con: "Ngay trong chính gia đình mình, vợ tôi cũng luôn muốn cho con đi học trước chương trình lớp một, nhưng tôi kịch liệt phản đối. Tôi chỉ cho con tập nhận biết mặt chữ cái, tập tô các nét đơn giản trong vở, không cần viết quá đẹp, tạo thói quen học tập cho con là chính.
Thế nhưng, khi vào lớp một, cô giáo liên tục liên lạc với gia đình chê con kém thế này, thế nọ, khiến vợ tôi càng áp lực thêm về việc phải cho con học trước kiến thức chứ sợ con không theo kịp các bạn. Mỗi buổi tối, tôi vẫn ở nhà dạy con học, vẫn thấy con có thể đánh vần, đọc được. Con không thích học môn Tiếng Việt và tập viết, chỉ thích học Toán, nhưng cũng không đến nỗi là không biết gì. Đến cuối năm, con vẫn đạt học sinh xuất sắc. Lúc này, vợ tôi lại cho rằng, con được vậy là nhờ ba buổi học thêm ở nhà cô giáo trước khi thi học kỳ.
Năm nay, con vào lớp 2, tôi vẫn giữ quan điểm không cho học trước chương trình. Nhưng vợ tôi nhất quyết không chịu và vẫn bắt con phải đi học thêm một tháng trước khi vào lớp 2. Tôi không hiểu, lên lớp các cháu học cái gì mà lại phải học trước chương trình như vậy?
Bản thân tôi 12 năm không học thêm, học trước ngày nào mà vẫn đọc thông, viết thạo, vẫn là học sinh tiên tiến của lớp, vẫn thi đại học top đầu được đấy thôi. Vậy mà giờ nhìn các con nghỉ hè vẫn phải đi học thêm mà tôi thấy tội nghiệp. Tại sao chúng ta cứ phải bắt các con học thật giỏi ở trên trường? Chẳng lẽ việc con đạt giấy khen lại quan trọng hơn việc học đạo đức, học làm người, học yêu thương mọi người hay sao? Một người có năng khiếu âm nhạc thì không thể yêu cầu họ giỏi Văn, giỏi Toán như các giáo sư được".
- Để bớt nhọc nhằn trẻ lớp 1 học chữ
- Con tôi đánh vật với chương trình lớp 1
- Chạy đua sáng tối để con bắt kịp chương trình lớp 1 cải cách
- 'Buộc trẻ lớp 1 viết đúng, đọc chuẩn - vừa muộn vừa vội'
- Giáo viên lớp 1 liên tục phàn nàn vì con tôi viết, đọc chậm
- Học sinh lớp 1 học thêm tối ngày