"Con tôi năm nay vào lớp 1. Ngay từ lớp mẫu giáo lớn, các cô giáo ở lớp đã cho con làm quen với mặt chữ và số, tập ghép vần đơn giản. Tôi nghĩ học ở lớp chỉ cần cho bé làm quen là đủ, nên yêu cầu cô không cho con tôi bài tập rèn chữ về nhà như các bạn khác. Tôi muốn con cứ thong thả, vui chơi như đúng tuổi của con.
Vào hè, tôi mới cho con học khóa hè kết hợp tiền tiểu học. Khóa học mang tính chất làm quen chứ không học trước quá nhiều. Cha mẹ nên có sự chuẩn bị trước cho con về phương pháp học, làm quen mặt chữ để con không bị bỡ ngỡ. Nhưng chuẩn bị trước không có nghĩa là dạy con trước quá nhiều, vì dễ nảy sinh tâm lý chán học khi con lên lớp 1 phải học lại những thứ biết rồi. Chứ nếu cứ để trẻ như 'tờ giấy trắng' thì con sẽ bị sốc khi vào môi trường lớp 1. Khi đó, cả phụ huynh và học sinh sẽ đều rất vất vả".
Đó là chia sẻ của độc giả Thu Hien xung quanh câu hỏi "có nên cho con học chữ trước khi vào lớp 1?". Đây cũng là thắc mắc chung của nhiều bậc phụ huynh có con chuẩn bị bước vào cấp tiểu học. Theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm học 2013-2014, các trường mầm non tuyệt đối không được dạy chữ trước cho trẻ, chuyển nội dung tập tô nét chữ sang hoạt động tạo hình. Tuy nhiên, trên thực tế, vì sợ học sinh không theo kịp chương trình lớp một, nhiều trường mầm non vẫn cho trẻ học chữ, thậm chí nhiều cha mẹ còn cho con mình theo học các lớp tiền tiểu học để biết trước mặt chữ, mặt số, các phép tính đơn giản trước khi vào lớp 1.
Nói về câu chuyện cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1, bạn đọc Zikv cho rằng: "Con tôi cũng không học trước chữ cái, trong khi bạn khác đã được học chữ từ mẫu giáo. Nhiều em lên lớp Lá đã có thể đọc thông, viết thạo. Khi vào học lớp 1, con tôi khá vất vả so với các bạn biết chữ từ sớm. Có những lúc tâm sự cùng con, tôi thầm nghĩ 'giá như hồi đó mình cho con học trước như các bạn, thì có lẽ bây giờ đỡ vất vả'. Thế nhưng, con tôi đáp rằng 'lựa chọn của mẹ là sáng suốt đó. Ít ra con còn có ký ức tuổi thơ vui vẻ. Chứ hồi đó mà mẹ bắt con học giống mấy bạn là con khổ sớm rồi'".
>> Tôi bằng lòng dù con 'mù chữ' khi vào lớp 1
Trong khi đó, độc giả doananhthu lại tin rằng không có công thức chung cho việc giáo dục trẻ: "Tôi cũng có con không biết chữ gì trước khi vào lớp 1. Nhưng không phải tôi cố ý làm vậy, mà là vì nếu dạy chữ cho con ba tháng trước khi vào lớp 1, kiểu gì con tôi cũng không nhớ bảng chữ cái được. Thế nên, khi vào lớp 1, đúng là tội trò, tội cả cô. Vậy là mỗi ngày tôi và con đều ôn bài cô giáo dạy trong ngày, đọc thật nhuyễn bài trong SGK, tuy nhiên không học trước mà chỉ ôn lại đúng cái cô dạy.
Sau một học kỳ, dù bắt đầu muộn nhưng việc đọc, viết, diễn đạt của con vẫn hết sức trơn tru. Bù lại vì tập trung cho con môn Tiếng Việt nên tôi đành để con học Tiếng Anh kém hơn. Sang lớp 2, tôi lại tập trung kèm Tiếng Anh cho con, và cuối năm đó con lại vượt lên. Qua lớp 3, con tôi còn được vào lớp chọn. Tuy nhiên, nếu bé nào có thể học tốt được thì nghĩ nên cho con học chữ trước khi nào lớp 1. Khi đó, con sẽ rất tự tin. Thay vì chỉ lo học chữ, con có thể có thời gian mỗi tối để đọc truyện, đọc sách.
Các cha mẹ đừng sợ con chán nản vì phải học sớm, chỉ sợ bé không biết chữ, học chậm rồi trở nên tự ti với các bạn thôi. Làm cha mẹ, quan trọng là quan sát xem con mình thuộc dạng nào, các mốc phát triển của con ra sao, mà tập trung bồi dưỡng cho đúng, vì mỗi bé sẽ có những giai đoạn phát triển khác nhau, chứ thật sự không có công thức chung nào cho tất cả".
Đánh giá câu chuyện này từ góc độ quản lý, bạn đọc Nguyen Tuan lại chỉ ra những bất cập trong chương trình giáo dục hiện nay: "Tôi nghĩ câu hỏi cần đặt ra ở đây là yêu cầu tối thiểu đối với trẻ đi học lớp 1 trong ngày học hay tuần học đầu tiên là gì? Nếu sách giáo khoa lớp 1 yêu cầu trẻ phải biết chữ trước khi vào học, thì chúng ta nên sửa đổi chương trình dạy học ở bậc mầm non, cho trẻ học chữ sớm. Còn nếu không thì cái cần xem xét lại ở đây là chương trình dạy trong SGK lớp 1 hiện tại đã phù hợp với tư chất và khả năng phát triển của trẻ em chưa?
Nguyên tắc là chúng ta giáo dục trẻ em theo chương trình sư phạm đã đề ra từ trước. Dù là cấp một, hai, hay ba cũng đều vậy. Nếu toàn bộ học sinh phải học 'vượt cấp' ở giai đoạn chuyển giao cấp học, thì có nghĩa là chương trình học đó đang chưa phù hợp. Hãy làm mọi thứ một cách có hệ thống, có trình tự. Chứ đừng tốn công sức xây dựng nên quy tắc, quy trình, rồi lại tìm cách phá vỡ chúng".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.