Tại Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, kết quả xét nghiệm chỉ số creatinine trong máu người bệnh vượt quá 1.000 micromol/lít (bình thường 53-106 micromol/lít), cân nặng tăng 6 kg (từ 72 kg lên 78 kg) do chất lỏng dư thừa.
Anh Hùng bị suy thận mạn độ 5 (giai đoạn cuối), chạy thận định kỳ 3 lần một tuần gần một năm nay. Mỗi lần chạy thận chỉ có thể lọc tối đa 4 kg chất lỏng. BS.CKII Võ Thị Kim Thanh, Phó khoa Nội Thận - Lọc máu, chỉ định cho anh Hùng lọc máu cấp cứu, tăng số lần chạy thận lên 5 lần một tuần.
Theo bác sĩ Thanh, 10 ngày nghỉ Tết, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM và Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 tiếp nhận gần 20 ca suy thận cấp nhập viện cấp cứu. Điểm chung của họ là vốn chạy thận định kỳ ở các cơ sở y tế khác nhưng dịp Tết bỏ lỡ lịch chạy thận hoặc ăn uống không kiêng khem.
Suy thận giai đoạn cuối là tình trạng thận gần như mất hoàn toàn khả năng lọc máu, không thể đào thải độc tố và nước dư thừa. Do đó, người bệnh thận mạn nói chung, suy thận mạn phải chạy thận nói riêng, không được ăn uống thoải mái như người khỏe mạnh. Người bệnh phải ăn nhạt, giảm đạm, kiêng nhiều loại thực phẩm, đồ uống như hải sản, thịt bò, sữa bò, trái cây giàu kali, đồ sấy khô, rượu bia... Ăn uống không kiểm soát ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng người bệnh.
Dịp Tết, nhiều người bệnh có xu hướng ăn uống ít kiêng cữ hơn, dẫn đến thừa chất lỏng và nhiều chất như đạm, kali, natri, phốt pho, chất béo. Lịch trình sinh hoạt thay đổi cũng khiến một số người bỏ lỡ lịch chạy thận.
Như anh Hùng, ngày thường ăn uống, dùng thuốc, chạy thận đúng chỉ định của bác sĩ. Song dịp Tết anh ăn nhiều thịt nướng, hải sản, uống chút bia. Thận không thể đào thải độc tố urê (sản phẩm chuyển hóa protein từ thức ăn) và nước dư thừa khiến các chất này tích tụ trong cơ thể gây rối loạn nhịp thở, hôn mê, nguy cơ tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. Sau một tuần lọc máu, anh Hùng qua giai đoạn nguy kịch, sức khỏe dần ổn định trở lại, trở về tần suất chạy thận trước đó.
Tương tự, bà An, 56 tuổi, khó thở, đau tức ngực sau khi ăn một quả chuối, gần nửa trái dưa hấu. Bác sĩ Thanh cho biết chuối, dưa hấu hay xoài, nho, trái cây sấy khô... đều chứa hàm lượng kali lớn. Thận của người bệnh không thể lọc thải kali trong máu ra khỏi cơ thể nên gây rối loạn nhịp tim, thậm chí ngưng tim. Có trường hợp đến bệnh viện cấp cứu do chóng mặt, hoa mắt rồi ngất xỉu sau khi ăn hết một góc tư bánh chưng và hai miếng thịt kho tàu.
Bác sĩ Thanh khuyến cáo người bệnh thận hay đang chạy thận nhân tạo cần ăn uống đúng lượng theo hướng dẫn của bác sĩ, không ăn đồ nướng, chiên xào, không dùng kèm các loại nước chấm (nước mắm, nước tương, tương ớt, muối tiêu...). Không ăn đồ ăn đun lại nhiều lần, trụng qua nước sôi trước khi ăn các món kho để giảm độ mặn, không dùng các món muối chua. Tuyệt đối tránh bia rượu, nước ngọt, cần uống thuốc đầy đủ và đến bệnh viện chạy thận đúng lịch hẹn. Nếu bị mệt mỏi, nôn ói, cơ thể phù nề, đau tức ngực, khó thở... người bệnh cần đến bệnh viện cấp cứu ngay.
Thắng Vũ - Diệu Quí
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp |