Hôm 25/2, bà Nhâm, ngụ Thanh Hóa, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM tái khám định kỳ và lấy thuốc, sắc mặt hồng hào, đi đứng nhanh nhẹn. BS.CKII Tạ Phương Dung, Phó giám đốc Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu, cho biết các chỉ số xét nghiệm vẫn trong ngưỡng nên bà tiếp tục không phải chạy thận.

Bác sĩ Dung khám và tư vấn tình trạng sức khỏe cho bà Nhâm. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Bà Nhâm bị suy thận giai đoạn cuối 4 năm trước, kèm nhiều bệnh nền như tăng huyết áp, viêm gan B, tăng axit uric máu, nang hai thận, tăng lipid máu hỗn hợp. Bác sĩ Dung nhận định tình trạng thận ở mức nguy hiểm, chỉ số độ lọc cầu thận (eGFR) giảm sâu dưới 11 ml/phút/1,73 m2. Thông thường, người có eGFR dưới 15 ml/phút/1,73 m2 cần lọc máu chạy thận. Tuy nhiên, thay vì chạy thận lọc máu suốt đời, bà Nhâm được bác sĩ áp dụng phác đồ điều trị bằng thuốc và dinh dưỡng. "Nếu đáp ứng tốt với phác đồ này, bà Nhâm chưa cần chạy thận", bác sĩ Dung cho biết.
Bà Nhâm được bác sĩ xây dựng phác đồ điều trị cá thể hóa nhằm cải thiện sức khỏe tổng thể và phục hồi chức năng thận về mức tốt nhất, kéo dài tối đa thời gian thận có thể tự lọc máu. Bà được kê đơn thuốc giúp kiểm soát các bệnh nền như tăng huyết áp, viêm gan B, tăng lipid máu..., phối hợp các loại thuốc để thận hoạt động tốt hơn. Về huyết áp, bà Nhâm phải đo và ghi lại chỉ số hàng ngày để bác sĩ theo dõi và điều chỉnh thuốc phù hợp. Song song, bà được mổ cầu tay (AVF) - tức đường vào mạch máu để kết nối với máy chạy thận nhân tạo - nhằm có thể chạy thận ngay khi cần.

Bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn 4-5 được bác sĩ phẫu thuật cầu tay sẵn, chuẩn bị chạy thận nếu cần. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Chế độ dinh dưỡng của bà Nhâm hạn chế ăn muối, đường, mỡ (thay bằng dầu ăn), có thể ăn thịt heo nạc, cá, gà, vịt nhưng bỏ da và nội tạng, chỉ ăn lòng trắng trứng, rau luộc kỹ. Bà hạn chế thịt bò và hải sản, đồ nướng, trái cây như xoài, nho, cam, chuối, nước dừa; không sử dụng thuốc nam, thuốc bắc hay thực phẩm chức năng, nước nấu từ lá cây nếu không tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Hai tháng một lần, bà từ Thanh Hóa vào TP HCM tái khám, lấy thuốc về uống và theo dõi online với bác sĩ Dung. Nhờ tuân thủ chỉ định và đáp ứng điều trị tốt, các chỉ số xét nghiệm huyết áp, đường huyết và chức năng thận của người bệnh duy trì ở mức ổn định, không suy giảm thêm.
Sau 4 năm, sức khỏe bà Nhâm ổn định, ăn ngủ ngon, đi đứng bình thường, chân không còn phù nề khó đi lại như thời điểm mới phát hiện bệnh. Tuy nhiên, suy thận mạn là bệnh cần điều trị lâu dài, bà cần tái khám định kỳ để điều chỉnh thuốc nếu cần và phát hiện, điều trị kịp thời các vấn đề sức khỏe khác.
Hội Lọc máu Việt Nam ước tính có hơn 10 triệu người mắc bệnh thận mạn, mỗi năm cả nước ghi nhận có thêm khoảng 8.000 ca bệnh mới. Suy thận là nguyên nhân gây tử vong do bệnh đứng thứ 8 tại Việt Nam. Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM có khá nhiều trường hợp suy thận giai đoạn cuối như bà Nhâm nhưng được kéo dài thời gian điều trị nội khoa, chưa phải lọc máu, sức khỏe vẫn ổn định, sinh hoạt bình thường.
Độ lọc cầu thận có xu hướng giảm theo tuổi tác, nhất là từ sau 50 tuổi. Để giảm nguy cơ mắc suy thận ở người cao tuổi, bác sĩ Dung khuyên ăn nhạt, chế biến thức ăn đơn giản bằng cách luộc hoặc hấp, hạn chế nêm nhiều gia vị hay chiên xào, bổ sung đạm phù hợp độ tuổi, ăn nhiều rau xanh. Hạn chế bia rượu, thuốc lá, tuyệt đối không dùng bất kỳ loại thuốc nào khi chưa được bác sĩ tư vấn. Người cao tuổi nên khám sức khỏe định kỳ 6-12 tháng một lần để sớm phát hiện dấu hiệu bệnh thận mạn và điều trị phù hợp.
Diệu Quí
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp |