Thận làm chức năng lọc nước và các chất lỏng khác, đưa nước đi khắp cơ thể. Cơ thể giữ lại những gì cần thiết và loại bỏ phần chất thải dưới dạng nước tiểu.
Mọi người thường uống khoảng hai lít nước mỗi ngày, tình trạng thừa nước ít khi xảy ra. Thận khỏe mạnh có thể xử lý lượng nước thừa nếu có. Tuy nhiên, người mắc bệnh thận mạn tính thường bị suy thận. Khi đó, thận có rất ít hoặc không còn khả năng loại bỏ chất thải, chất điện giải thừa hoặc chất lỏng ra khỏi cơ thể. Hầu hết trường hợp không thể tạo ra nước tiểu và phải dựa vào các phương pháp điều trị để hỗ trợ chức năng cho thận.
Uống nhiều nước, thừa nước có thể gây căng thẳng cho cơ quan này, khiến các chất điện giải quan trọng bị pha loãng. Một trong những vấn đề phổ biến nhất là hạ natri máu, tức lượng natri trong máu thấp, với triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, đau đầu, mệt mỏi, lú lẫn, huyết áp thấp, yếu cơ, co giật, chuột rút, hôn mê.
Một số người mắc bệnh thận nặng hoặc suy thận nên hạn chế lượng chất lỏng nạp vào. Người bệnh được khuyến cáo chỉ tiêu thụ một lượng chất lỏng nhất định giữa các đợt điều trị. Nếu bệnh nhân không tuân thủ có thể dẫn đến tăng thể tích máu, cần điều trị y tế để ngăn biến chứng như sưng phù, mất cân bằng điện giải, chất lỏng tích tụ trong phổi, tăng huyết áp, suy tim.
Lượng nước mà người suy thận cần uống tùy thuộc vào giai đoạn bệnh. Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để xác định lượng nước phù hợp với thể trạng. Nếu đang điều trị suy thận bằng hình thức lọc máu, người bệnh có thể giới hạn ở mức chưa đến một lít chất lỏng mỗi ngày và thường không quá hai lít.
Giới hạn chất lỏng cũng có thể được thiết lập dựa trên lượng nước tiểu mà cơ thể tạo ra mỗi ngày và tốc độ chất lỏng tích tụ. "Cân nặng khô" là cân nặng lý tưởng khi không có thêm chất lỏng. Dựa trên trọng lượng này, bác sĩ đề xuất lượng chất lỏng người bệnh cần mỗi ngày và tần suất cần điều trị. Cân nặng tăng quá nhiều giữa các lần điều trị có thể là dấu hiệu bệnh nhân quá tải chất lỏng.
Trong giai đoạn đầu của bệnh thận, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh dùng thuốc để cơ thể giải phóng thêm chất lỏng. Nhưng khi chức năng thận còn rất ít hoặc không còn, những loại thuốc này không hiệu quả. Lọc máu (gồm chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng) và ghép thận là lựa chọn cuối cùng nhằm kéo dài sự sống của bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối.
Lọc máu giúp kiểm soát cân bằng chất lỏng và điện giải dành cho người bệnh suy thận nặng. Phương pháp này bắt chước hoạt động của thận bằng cách lọc chất thải và lượng chất thừa như kali ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, một số chất độc không thể được loại bỏ hoàn toàn.
Người bệnh suy thận phần lớn phát hiện ở giai đoạn muộn, có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Thận lọc yếu khiến những chất thừa, chất độc tích tụ và gây hại cho cơ thể, nhất là hệ tim mạch, tiêu hóa, thần kinh, hô hấp da và máu. Do đó, kiểm soát chất lỏng rất quan trọng với người suy thận đang điều trị lọc máu.
Anh Ngọc (Theo Healthline)