Ông Nguyễn Phát Đạt, 57 tuổi, nhập viện tại Trung tâm Tiết niệu Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, hồi cuối tháng 7 trong tình trạng tỉnh táo, không có biểu hiện đau đớn hoặc mệt mỏi, không xuất hiện bất thường trong hoạt động đại tiểu tiện. Tuy nhiên, ông có tiền căn cao huyết áp, đái tháo đường lâu năm, trong vòng 6 tháng sụt 8kg, hơn 10% tổng trọng lượng cơ thể.
BS.CKI Phan Trường Nam, trực tiếp điều trị cho biết, thông qua các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, người bệnh được nhận định là có một khối u thận trái to 6 cm. Khối u đã xâm lấn ra ngoài mô mỡ xung quanh thận, xâm lấn vào lòng tĩnh mạch thận tạo thành chồi tĩnh mạch, dính với một phần đại tràng và lá lách.
Ông Đạt chia sẻ, sau khi tiếp nhận thông tin về tình trạng bệnh của mình, ông rất hoang mang, ăn không ngon, ngủ không yên, không biết phải làm sao.

Hình ảnh bướu thận của người bệnh. Ảnh: BVĐK Tâm Anh
Theo bác sĩ Phan Trường Nam, đây là ca bệnh khó xử lý, không thể mổ nội soi mà buộc phải mổ hở do bệnh đã tiến triển đến giai đoạn T4. Đây là giai đoạn bướu phát triển to, đã xâm lấn đến mô mỡ và các cơ quan khác trong cơ thể. Do đó, ekip mổ không chỉ có sự tham gia của bác sĩ Thận học mà còn kết hợp với hai chuyên khoa khác là Ngoại Tổng quát và Ngoại Tiêu hóa. Sau hơn 5 giờ phẫu thuật căng thẳng, ca mổ đã thành công và hoàn thành mục tiêu đặt ra là cắt bỏ toàn bộ khu vực thận chứa khối u, chồi tĩnh mạch, đoạn đại tràng đã bị tổn thương và làm sạch các mô mỡ xung quanh thận.
Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân ăn được, ngủ được, đại tiểu tiện bình thường, không đau, chỉ hơi không thoải mái do ống dẫn lưu ổ bụng. Sau mổ 4 ngày, ông đã có thể đi lại bình thường, không xuất hiện biến chứng, tình trạng sức khỏe tốt.
"Tôi rất mừng khi bước qua lằn ranh sinh tử, được các bác sĩ giành lại sự sống. Sức khỏe của tôi ngày càng phục hồi và tiến triển tốt", người bệnh chia sẻ.

Bác sĩ Phan Trường Nam thăm khám cho bệnh nhân sau ca phẫu thuật. Ảnh: BVĐK Tâm Anh
Bác sĩ Phan Trường Nam cho biết, bướu thận là tình trạng các tế bào ở thận phát triển quá mức, hình thành khối u. Hiện nay, y học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác dẫn đến bệnh lý này nhưng những người có thói quen hút thuốc lá, tiếp xúc nhiều với hóa chất, béo phì, cao huyết áp, viêm gan, suy thận, tiền sử gia đình có người mắc bệnh bướu thận... có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Điều đáng lưu ý là ở giai đoạn đầu, bướu thận thường không có triệu chứng rõ rệt, khó có thể nhận biết bằng mắt thường nhưng dễ dàng phát hiện thông qua hình ảnh siêu âm. Trong trường hợp người bệnh cảm thấy bụng to lên bất thường thì lúc này, bệnh đã tiến triển đến giai đoạn muộn, khối u phát triển quá mức. Nếu không được điều trị kịp thời, khối u sẽ ngày càng lớn hơn, chèn ép hoặc di căn đến các cơ quan xung quanh thận và thậm chí là vỡ ra, đe dọa tính mạng người bệnh. Do đó, bác sĩ đề nghị người bệnh nên đến bệnh viện để được thăm khám ngay khi cơ thể xuất hiện những dấu hiệu bất thường và đừng quên thăm khám sức khỏe định kỳ, thực hiện các xét nghiệm cơ bản. Thói quen này không chỉ giúp phát hiện bệnh bướu thận mà còn nhận biết sớm các bệnh lý khác, từ đó có phương pháp điều trị kịp thời, ngăn ngừa biến chứng.
Phi Hồng