Sùi mào gà, hay mụn cóc sinh dục, bệnh mồng gà là một bệnh truyền nhiễm lây qua đường tình dục phổ biến do virus Human Papillomavirus (HPV) gây ra, với biểu hiện là những nốt sùi mềm trên bộ phận sinh dục kèm theo đau đớn, ngứa ngáy, khó chịu.
Kết quả thống kê của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy, tỷ lệ người mắc bệnh sùi mào gà ít nhất một lần trong đời chiếm đến 50%. Một số người xuất hiện mụn cóc sinh dục trong vòng vài tuần sau khi nhiễm bệnh, nhưng cũng có trường hợp vài tháng hoặc vài năm. Thậm chí, hầu hết các trường hợp nhiễm HPV không có triệu chứng hoặc không được phát hiện. Tỷ lệ người có triệu chứng rõ rệt rất thấp, chỉ khoảng 1-2% trường hợp. Vì vậy mà người bệnh rất khó xác định tình trạng của mình và vô tình lây truyền virus cho người khác.
Triệu chứng
Theo BS. Đoàn Ngọc Thiện, Khoa Nam học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, bệnh sùi mào gà lây truyền qua đường quan hệ tình dục, bao gồm cả quan hệ tình dục bằng miệng, âm đạo và hậu môn. Nốt sùi có thể tồn tại bên trong hoặc bên ngoài cơ quan sinh dục nên đôi khi người bệnh không phát hiện được.
Ở giai đoạn mới hình thành, các nốt sùi thường rất nhỏ, màu da hoặc hơi sẫm hơn. Phần đầu của các nốt có hình dạng giống như chiếc mào gà hay bông súp lơ và sờ vào thấy mịn hoặc hơi gồ ghề. Bên cạnh đó, chúng cũng có thể xuất hiện dưới dạng một cụm mụn cóc hoặc chỉ một mụn cơm. Ngoài ra, tùy theo giới tính, triệu chứng sùi mào gà có thể khác nhau.
Triệu chứng sùi mào gà ở nam:
- Mụn cóc sinh dục ở nam giới có thể xuất hiện ở dương vật, bìu, háng, đùi, bên trong hoặc xung quanh hậu môn.
- Nốt sùi màu da, nâu hoặc hồng ở vùng sinh dục gây cảm giác khó chịu, ngứa ngáy, chảy máu sau khi quan hệ tình dục. Ngoài ra, mụn cóc sinh dục cũng có thể xuất hiện trên môi, miệng, lưỡi hoặc cổ họng của người có quan hệ tình dục bằng miệng với người nhiễm virus HPV.
Triệu chứng sùi mào gà ở nữ:
- Các nốt sùi do nhiễm virus HPV ở nữ giới có thể xuất hiện bên trong hoặc ngoài âm đạo, hậu môn, cổ tử cung.
- Tương tự như nam giới, các nốt sùi cũng có thể xuất hiện ở một số nơi khác trên cơ thể người phụ nữ và gây ra tình trạng: tiết dịch âm đạo, ngứa ngáy, nóng rát, đau và/hoặc chảy máu khi quan hệ tình dục...
Người bệnh nên đến gặp các bác sĩ chuyên khoa khi cảm thấy các triệu chứng nêu trên hoặc khi cơ thể có những biểu hiện như:
- Kích ứng hoặc ngứa bộ phận sinh dục
- Đau đớn khi quan hệ tình dục
- Đau rát khi tiểu, tiểu khó
- Cơ quan sinh dục tiết dịch bất thường, có mùi hôi, tấy đỏ...
Nguyên nhân
Virus Human Papillomavirus là nguyên nhân gây ra bệnh sùi mào gà sinh dục. Loại virus này gồm khoảng 150 chủng với ít nhất 40 chủng lây nhiễm qua đường quan hệ tình dục. Trong đó, 2 chủng phổ biến gây bệnh sùi mào gà là HPV-16 và HPV-18 thuộc nhóm nguy cơ cao, vì có khả năng gây ung thư cổ tử cung, dương vật, âm hộ, âm đạo, hậu môn, hầu họng... Chủng HPV-6 và HPV-11 cũng có thể gây ra bệnh sùi mào gà, u nhú đường hô hấp tái phát, nhưng lại không tiến triển thành ung thư.
Hầu hết người có quan hệ tình dục đều sẽ bị nhiễm virus tại một thời điểm nào đó trong đời. Ngoài ra, các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm bệnh bao gồm:
- Quan hệ tình dục không có dụng cụ bảo vệ
- Quan hệ tình dục khi không biết tiền sử tình dục của bạn tình
- Có nhiều bạn tình
- Nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác
- Quan hệ tình dục sớm
- Hệ miễn dịch kém như nhiễm HIV hoặc dùng thuốc chống thải ghép
- Người dưới 30 tuổi
- Người hút thuốc lá
- Có mẹ bị nhiễm virus HPV
Sùi mào gà là một trong những bệnh rất nguy hiểm, với khả năng lây truyền nhanh, khiến cho người bệnh cảm thấy rất đau đớn, khó chịu, tự ti... Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng phác đồ, bệnh có thể để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh sản của người bệnh như:
Phát triển thành ung thư: Sùi mào gà có khả năng gây bệnh ung thư ở cả nam lẫn nữ. Các kết quả thống kê cho thấy, khoảng 10,2% phụ nữ bị sùi mào gà ở cổ tử cung, 5% ở âm đạo, 5% ở hậu môn có thể phát triển thành ung thư. Ở nam giới, 15% trường hợp nhiễm virus HPV chuyển thành ung thư dương vật. Người bệnh cũng có thể bị ung thư vòm họng, cổ họng... khi bị bệnh sùi mào gà do có quan hệ tình dục bằng đường miệng.
Ảnh hưởng đến thai kỳ: Trong quá trình mang thai, nồng độ hormone trong cơ thể của người phụ nữ tăng cao. Đây là nguyên nhân khiến cho các nốt sùi to lên, lan rộng hơn và gây chảy máu. Các nốt sùi mào gà không chỉ gây khó khăn cho việc đi vệ sinh do kích thước tăng dần, mà còn có thể làm giảm sự co giãn của mô âm đạo, ảnh hưởng đến quá trình sinh nở tự nhiên, khiến cho thai phụ khó sinh bằng ngả âm đạo.
Tuy rất hiếm gặp, nhưng một số trẻ sơ sinh có mẹ bị bệnh sùi mào gà cũng có nguy cơ bị u nhú thanh quản khiến cho trẻ khàn giọng, khóc yếu... Trong trường hợp nặng bệnh có thể lan sang khí quản, phổi, gây tắc nghẽn đường thở.
Ảnh hưởng khả năng sinh sản: Bệnh sùi mào gà có thể làm biến dạng dương vật, tắc nghẽn ống dẫn tinh, tắc niệu đạo, ung thư cổ tử cung... ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của cả hai giới. Một số nghiên cứu còn cho biết, sự xuất hiện của virus HPV trong tinh dịch làm giảm khả năng di chuyển của tinh trùng, có thể gây vô sinh ở nam. Nếu tinh trùng chứa HPV thụ tinh với trứng cũng có thể làm tăng nguy cơ sảy thai.
Điều trị
Việc điều trị sùi mào gà cần phải tuân thủ nguyên tắc đầu tiên là loại bỏ sang thương và những thương tổn tiền ung thư đến từ nguyên nhân nhiễm virus HPV; kiểm soát nguy cơ nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác để tránh làm cho bệnh sùi mào gà chuyển biến xấu, đồng thời điều trị cho cả đối tác của người bệnh, nhằm ngăn ngừa tình trạng tái nhiễm.
Hiện nay, bệnh sùi mào gà có thể được điều trị bằng các biện pháp sau đây:
Điều trị bằng thuốc: Bệnh sùi mào gà không thể điều trị bằng các loại thuốc chữa mụn cóc thông thường hoặc các thuốc không kê đơn. Do đó, người bệnh không nên tự ý dùng thuốc hoặc mua tại hiệu thuốc, mà cần đến bệnh viện để kiểm tra tình trạng cụ thể và được kê toa thuốc phù hợp, nhằm tránh biến chứng và nguy cơ nhờn thuốc.
Điều trị bằng thủ thuật, phẫu thuật: Nếu việc điều trị bằng thuốc không mang lại hiệu quả, người bệnh có thể cần được thực hiện một số thủ thuật nhỏ để loại bỏ nốt sùi. Các biện pháp đó bao gồm:
- Đốt điện: Đây là phương pháp dùng sóng cao tần chiếu vào nốt sùi để tiêu diệt virus HPV từ sâu bên trong.
- Cryotheraphy (Áp lạnh bằng nitơ lỏng): Thủ thuật này sử dụng nitơ ở nhiệt độ cực lạnh từ -110 đến -180 áp lên các nốt sùi mào gà, nhằm phá hủy tế bào, tiêu diệt virus HPV.
- Đốt bằng tia laser: Phương pháp này sử dụng tia laser, chùm ánh sáng có cường độ cao, chiếu vào nốt sùi, xâm nhập vào sâu bên trong tổ chức của mào gà để diệt virus. Việc điều trị gây đau đớn và có thể gây ra sẹo. Chi phí điều trị cũng khá cao nên được áp dụng cho trường hợp tổn thương lan rộng và tái phát nhiều lần.
- Phẫu thuật cắt bỏ nốt sùi mào gà: Nếu người bệnh có các vùng tổn thương rộng, đường kính lớn hơn 5cm và đáp ứng các điều kiện như vùng điều trị không đang chiếu xạ, người bệnh không bị suy giảm miễn dịch, không bị tăng huyết áp, không bị đái tháo đường, không mang thai... bác sĩ có thể chỉ định phương pháp phẫu thuật này.
Người bị sùi mào gà cần được có biện pháp chăm sóc phù hợp nhằm hạn chế nguy cơ tổn thương lan rộng, ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và bạn tình. Sau điều trị, người bệnh cũng cần được theo dõi sát sao để nhanh hồi phục và hạn chế nguy cơ tái phát.
Người bệnh nên chú ý yếu tố vệ sinh bằng cách sử dụng dung dịch rửa vùng kín có độ pH trung bình, tắm rửa thường xuyên, thay quần áo hàng ngày, không dùng chung vật dụng cá nhân với người khác. Người bệnh cũng cần tránh quan hệ tình dục trong khoảng 6 tháng và sử dụng các biện pháp bảo vệ bạn tình. Xây dựng lối sống lành mạnh với chế độ dinh dưỡng cân bằng, thường xuyên vận động, hạn chế sử dụng chất kích thích... Đặc biệt là nên tuân thủ việc dùng thuốc, lịch tái khám để đảm bảo bệnh khỏi hẳn.
Cách phòng ngừa
Nếu đang trong độ tuổi có sinh hoạt tình dục, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau đây để bảo vệ bản thân và người bạn đời khỏi nguy cơ bị nhiễm hoặc lây lan HPV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác:
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục
- Kiểm tra định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ
- Điều trị triệt để các bệnh lây qua đường tình dục
- Trao đổi với bạn tình, nếu bạn bị nhiễm HPV để cùng điều trị
- Chung thủy một vợ một chồng hoặc hạn chế số lượng bạn tình
- Tiêm vaccine HPV để chủ động bảo vệ sức khỏe. vaccine có thể bảo vệ bạn khỏi bệnh sùi mào gà và cả các chủng HPV có liên quan đến nguy cơ ung thư. Loại vaccine này được tiêm từ 1-3 mũi, tùy thuộc vào độ tuổi và nên được tiêm trước khi có quan hệ tình dục, vì chúng có hiệu quả nhất khi một người chưa tiếp xúc với HPV.
Sùi mào gà là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến. Một số người chỉ nhiễm một lần, trong khi những người khác rất thường xuyên tái phát. Việc điều trị có thể loại bỏ nốt sùi, nhưng không thể loại bỏ hoàn toàn virus HPV. Do đó, nên dự phòng nguy cơ bị lây nhiễm và nên chú ý quan hệ tình dục an toàn, chung thủy.
Anh Ngọc