Cuộc sống của những phụ nữ tái tạo vú sau mổ ung thư
Thoát cửa tử thần sau điều trị ung thư vú 10 năm trước, trở về cuộc sống đời thường với một phần ngực trái bị cắt, chị Minh (quận 8, TP HCM) muốn giải thoát để chồng đi tìm hạnh phúc mới.
Phát hiện ung thư vú trong một lần tình cờ đi khám sức khỏe khi vừa bước qua tuổi 40, chị Minh hoang mang tột độ vì sức khỏe trước đó vốn luôn bình thường. Đang có trong tay tất cả, công việc ổn định, gia đình hạnh phúc với người chồng và hai đứa con trai, chị buông tay không muốn chạy chữa vì nghĩ đã ung thư là cầm chắc cái chết. Được sự động viên của gia đình, bạn bè và sự tư vấn cặn kẽ của các bác sĩ, chị bước vào ca phẫu thuật cắt bỏ phần vú trên trái để tránh ung thư di căn. Sau giai đoạn điều trị hóa chất với những lần mệt mỏi, suy kiệt như không còn sức lực, chị đẩy lùi được căn bệnh quái ác.
"Ông xã vốn là bạn và là tình yêu từ thời sinh viên. Điều trị bệnh xong, tinh thần vững vàng, nhẹ nhàng hơn nên mình muốn giải thoát cho chồng vì anh ấy còn trẻ quá. Dù sao việc anh ấy luôn sát cánh bên cạnh giúp mình vượt qua giai đoạn bệnh tật khó khăn nhất là mình mãn nguyện rồi", chị Minh nhớ lại cảm giác mặc cảm khi mất đi một phần thân thể đẹp nhất của người phụ nữ. Sau một thời gian được chồng làm công tác tư tưởng, chị mới từ bỏ ý nghĩ "tào lao" đó.
Trải qua 10 năm dù cuộc sống yên ổn, hạnh phúc nhưng vẫn không thôi cảm giác mất mát, chị Minh quyết định tái tạo vú để tìm lại tự tin và "bớt khó chịu, bị chênh khi mặc áo ngực giả". Ban đầu ông xã không đồng ý vì không muốn vợ phải mạo hiểm dao kéo nhưng khi được bác sĩ tạo hình tư vấn cặn kẽ anh đã chiều lòng vợ. Với toàn bộ ca phẫu thuật chưa đến 10 triệu đồng (hiện tại phẫu thuật tái tạo vú đã được thanh toán bảo hiểm y tế), chị Minh hài lòng "dù không có ngực thì cuộc sống của mình vẫn may mắn hạnh phúc nhưng khi tái tạo lại rồi thì niềm vui trọn vẹn hơn gấp nhiều lần".
Nhìn lại chặng đường đã qua, điều khiến chị Minh thêm cảm ơn những tiến bộ của y khoa là đã giúp người mẹ 85 tuổi của chị không phải lo lắng vì con gái. "10 năm qua bà vẫn chưa biết mình từng bị bệnh, phải cắt bỏ rồi tái tạo lại vú. Lúc phát hiện bệnh cũng là lúc mẹ vừa trải qua cơn tai biến. Bình thường cứ 2-3 bữa là mình ghé thăm bà, thời gian ở trong bệnh viện mình phải tìm đủ lý do, nói chuyện qua điện thoại thường xuyên để mẹ yên tâm sống vui, sống khỏe", chị Minh chia sẻ.
Hơn 10 năm sau khi chiến thắng ung thư vú, người tiểu thương tính tình xởi lởi, lạc quan tại một khu chợ ở quận 10, TP HCM luôn là địa chỉ tìm tới của những bệnh nhân cùng cảnh ngộ để được chia sẻ kinh nghiệm, động viên kịp thời. Trải qua ca các ca phẫu thuật cắt bỏ vú, 5 tháng ròng rã 6 liều thuốc hóa trị, rồi mổ tái tạo vú, tạo hình núm vú... bà Hà vẫn xem "mọi chuyện như có như không, chẳng đau đớn gì cả". Khi chưa phát hiện bệnh, bà từng tự tay dắt bạn bè đi điều trị ung thư vú, chứng kiến sự ra đi của bạn bè khi không chiến thắng nổi căn bệnh nên đến lượt mình, bà bình tĩnh đến lạ.
"Trước ngày mổ tôi còn rủ chồng đi chơi, thư giãn cho thoải mái đầu óc. Mọi thứ an bày hết rồi, chuyến gì đến sẽ đến, có lo lắng cũng không giải quyết được. Mà có khi chính nhờ lạc quan vậy mà các ca mổ tôi đều vượt qua khá dễ dàng", bà Hà tâm niệm.
Suy nghĩ cởi mở nên khi ra chợ ngồi bán bà không ngại ngùng giấu bệnh mà có gì cũng kể hết để ai có bệnh còn tư vấn cho người ta biết mà chữa sớm. "Mình đã trải qua rồi nên mình biết như thế nào để chia sẻ. Nhiều người lo lắng, hoang mang buông tay không chịu điều trị. Không ít trường hợp không chết vì bệnh mà chết vì lo", bà trăn trở.
Bác sĩ Nguyễn Văn Phùng, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình Thẩm mỹ Bệnh viện Bình Dân cho biết, mục đích của tái tạo vú nhằm phục hồi lại hình dạng vú bình thường, phục hồi lại biểu tượng nữ tính cho người đã mổ cắt ung thư vú hay bị mất tổ chức của vú do di chứng của bỏng, chấn thương.
"Tái tạo vú giúp người bệnh xoá được mặc cảm, có sự tự tin để hoà nhập với cụôc sống bình thường và đảm bảo được chất lượng của cuộc sống. Việc tái tạo vú không làm gia tăng tỷ lệ tái phát, cũng như không làm kéo dài thời gian điều trị hỗ trợ trong ung thư vú và được xem như là một bước điều trị ung thư vú", bác sĩ Phùng phân tích.
Phần lớn các phụ nữ sau đoạn nhũ đều có thể tái tạo vú khi không có di căn, có tình trạng sức khoẻ đảm bảo cho cuộc phẫu thuật, không có các bệnh khác kèm theo có thể ảnh hưởng đến quá trình phẫu thuật và lành vết thương. Nếu cả 2 vú đều phải cắt bỏ vì khối u thì cũng có thể tái tạo cả 2 vú. Trong trường hợp chỉ cần tái tạo một vú thì vú lành bên đối diện cũng có thể được khuyến cáo để thu nhỏ vú hoặc treo vú chảy xệ và độn túi ngực để cải thiện sự đối xứng về thể tích cũng như vị trí của cả 2 vú.
Thời điểm thuận lợi để thực hiện việc tái tạo vú phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giai đoạn bệnh, điều trị hỗ trợ sau cắt bỏ u vú… Tùy từng trường hợp mà tái tạo vú được thực hiện ngay sau khi cắt bỏ vú gọi là tái tạo vú tức thì đối với các trường hợp ung thư vú ở giai đoạn sớm. Hoặc sau khi đã lành vết thương do cắt bỏ vú và phục hồi sau các điều trị bổ sung (hóa trị, xạ trị) gọi là tái tạo vú trì hoãn, thường sau 6 tháng sau khi hóa trị và xạ trị.
Những biến chứng và rủi ro của phẫu thuật tái tạo vú bao gồm chảy máu, nhiễm trùng, chậm liền vết thương và rủi ro do gây mê. Việc phẫu thuật sử dụng mô tự thân có thể gặp các nguy cơ như hoại tử một phần hoặc toàn bộ vạt, giảm, mất cảm giác ở cả nơi cho và nhận vạt. Việc sử dụng các vật liệu cấy ghép tổng hợp cũng có thể đem lại các nguy cơ như hình thành bao xơ quanh túi, vỡ túi.
"Bệnh nhân phải được khám và tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật Tạo hình Tái tạo để được đánh giá thể trạng, hình dạng của lồng ngực và của vú, sẹo mổ cũ, chất lượng da và mô mềm còn lại… Phẫu thuật cần được thực hiện tại các cơ sở y tế uy tín, đảm bảo các trang thiết bị, đội ngũ gây mê hồi sức có trình độ và phẫu thuật viên tạo hình đã được đào tạo về kỹ thuật tái tạo vú", bác sĩ Phùng chia sẻ.
Lê Phương
Báo điện tử VnExpress và Công ty Cổ phần Dược phẩm GoldHealth Việt Nam phối hợp mở chuyên mục “Ung thư” từ ngày 1/9/2019. Đây là nơi cung cấp cho độc giả kiến thức về ung thư từ cách nhận biết bệnh, phòng tránh, đến chăm sóc dinh dưỡng, cách tập luyện… Bệnh nhân cũng có thể chia sẻ lại câu chuyện của mình: khó khăn gặp phải trong quá trình điều trị, sự động viên và hỗ trợ đến từ người thân trong gia đình hay một chế độ dinh dưỡng hợp lý, thời gian biểu vận động hàng ngày... tại đây. Chuyên mục có sự đồng hành của đội ngũ chuyên gia, bác sĩ đầu ngành về các loại ung thư. Để tìm hiểu thêm thông tin, đọc giả hãy truy cập website https://genkstf.vn và https://ksol.vn; nếu cần hỗ trợ, tư vấn thêm về vấn đề ung thư, bạn đọc có thể gọi vào số tổng đài miễn cước 18006808 (trong giờ hành chính) hoặc 0962686808 (hotline - ngoài giờ hành chính), email: tuvan@ghv.com.vn.
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN UNG THƯ
Gửi câu hỏi tư vấn
Nguyên Giám đốc BV Ung bướu TP. Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam.
Chuyên gia cố vấn mục hỏi đáp
* Vui lòng điền chính xác số điện thoại và email để nhận được câu trả lời và tư vấn chuyên sâu từ chuyên gia
Sống như những đóa hoa, vươn về phía mặt trời
(*) Đây là cuộc thi viết về nghị lực bệnh nhân ung thư, độc giả có thể truy cập để gửi bài dự thi