Với người mắc bệnh ung thư vú, phẫu thuật cắt bỏ mô ung thư là phương pháp điều trị quan trọng nhất trong chiến lược phối hợp các phương pháp điều trị gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, nội tiết... Phẫu thuật ung thư vú thường gồm 2 loại chính là phẫu thuật bảo tồn vú và phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ vú. Dù thực hiện phương pháp phẫu thuật nào thì bệnh nhân cũng phải chịu cắt bỏ một phần cấu trúc giải phẫu của cơ thể và để lại sự khiếm khuyết ở vùng nhạy cảm về giới tính của phụ nữ.
Ngày nay, với kỹ thuật tiên tiến và các dụng cụ phụ trợ tốt, các bác sĩ tạo hình - thẩm mỹ có thể khôi phục lại hình dáng, kích thước vùng ngực và cả núm, quầng nhũ hoa với hình dáng đẹp, hợp với tự nhiên.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Tạo hình Thẩm mỹ Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM cho biết, phẫu thuật tái tạo nhũ hoa mang lại lợi ích tâm lý tốt, xóa bỏ mặc cảm bệnh tật và khiếm khuyết cơ thể sau phẫu thuật lớn điều trị ung thư, giúp cải thiện chất lượng sống của bệnh nhân, phục hồi dáng vẻ bên ngoài của cơ thể, phục hồi biểu tượng nữ tính, không phải sử dụng áo ngực giả gây bất tiện trong sinh hoạt. Sau tái tạo, phụ nữ vẫn có thể lập gia đình và sinh con bình thường, tuy nhiên không thể cho con bú vì bên vú tái tạo không có sữa.
"Không phải tất cả phụ nữ phải đoạn nhũ đều có thể được tái tạo vú. Mổ tái tạo vú là phẫu thuật lớn, mang tính chất tiếp nối điều trị, đòi hỏi kỹ thuật cao. Do đó phẫu thuật thường chỉ được thực hiện trên các bệnh nhân mà nguyên nhân dẫn đến chỉ định cắt vú đã bị loại bỏ hoàn toàn, bệnh nhân có đủ sức khỏe và có hiểu biết tốt về tái tạo nhũ hoa", bác sĩ Anh Tuấn chia sẻ.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Phùng, giảng viên Bộ môn Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ, Đại học Y dược TP HCM, bệnh nhân mắc bệnh ung thư vú cần được khám để đánh giá về mặt ung thư bởi bác sĩ chuyên khoa, sau đó khám và tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình để quyết định phương pháp tái tạo phù hợp.
Việc tái tạo vú có thể thực hiện ở các thời điểm:
- Cùng thời điểm với phẫu thuật cắt bỏ khối u vú, gọi là tái tạo vú tức thì. Tái tạo vú tức thì áp dụng cho các trường hợp có nguy cơ cao ung thư vú, ung thư vú ở giai đoạn sớm, có tình trạng sức khỏe tương đối tốt.
- Sau khi đã cắt bỏ khối u vú, khi vết mổ đã lành và các biện pháp điều trị hỗ trợ như hoá trị, xạ trị đã hoàn tất, lúc này gọi là tái tạo vú trì hoãn. Tái tạo vú trì hoãn áp dụng cho các trường hợp đã phẫu thuật cắt bỏ ung thư vú, có tình trạng sức khỏe tốt, không có tình trạng di căn.
- Ngoài ra đối với một số trường hợp ung thư vú giai đoạn sớm, tuy nhiên còn chờ kết quả chính xác về mô học để quyết định có xạ trị hay không, trường hợp này có thể áp dụng tái tạo vú tức thì - trì hoãn sau phẫu thuật cắt bỏ ung thư vú 2-3 tuần.
Bác sĩ Phùng cho biết, phẫu thuật tái tạo vú thường chia làm nhiều giai đoạn, hoàn tất sau 3-6 tháng. Giai đoạn đầu là giai đoạn tái tạo thể tích, hình dáng của vú. Đến giai đoạn sau, làm cân xứng 2 vú, tái tạo quầng vú và núm vú. Giai đoạn sau thường thực hiện sau giai đoạn đầu 3 tháng. Thời gian phục hồi sau mỗi giai đoạn từ 1 đến 2 tuần.
Theo bác sĩ Phùng, hiện nay có thể chia các phương pháp tái tạo vú thành 3 nhóm tùy theo vật liệu sử dụng:
- Bằng vật liệu tổng hợp (túi độn).
- Bằng mô tự thân của bệnh nhân.
- Sử dụng kết hợp cả 2 loại vật liệu nói trên.
Việc lựa chọn phương pháp tái tạo tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, tình trạng mô tại vùng ngực đã cắt, tình trạng vú còn lại, mong muốn của bệnh nhân... Phương pháp tái tạo vú bằng mô tự thân của bệnh nhân sẽ cho kết quả tự nhiên hơn, mô được lấy là những vạt da mỡ, da cơ từ vùng lưng, bụng, hoặc mông ... Đặc biệt phương pháp dùng vạt da - mỡ thừa ở vùng bụng dưới sẽ giúp bệnh nhân vừa tái tạo được vú, đồng thời tình trạng thừa da mỡ ở vùng bụng cũng được giải quyết, giúp bệnh nhân có vùng bụng thon gọn hơn.
Việt Nam hiện đã thực hiện được các kỹ thuật tái tạo vú áp dụng phổ biến trên thế giới. Ngay cả kỹ thuật cao như tái tạo vú bằng vật liệu tự thân với kỹ thuật vi phẫu (thường là vạt da - mỡ ở vùng bụng dưới) cũng đã thực hiện phổ biến tại các trung tâm như Bệnh viện Đại học Y dược, Viện Bỏng Quốc Gia, Bệnh viện 108...
Tuy nhiên, phẫu thuật tái tạo vú cũng có thể gặp phải nhiều tai biến và biến chứng như nhiễm trùng, tắc mạch ghép, thoát vị thành bụng....
Bác sĩ Phùng chia sẻ, khi tiến hành một ca phẫu thuật cần có sự hợp tác tốt giữa bác sĩ với bệnh nhân và gia đình thì mới có thể đem lại kết quả tốt. Bệnh nhân, gia đình và phẫu thuật viên cần có sự trao đổi cặn kẽ về tình trạng sức khỏe, nguyện vọng của bệnh nhân, các phương pháp tái tạo vú có thể sử dụng, các tai biến và biến chứng có thể xảy ra, thời gian cần thiết để hoàn tất tái tạo vú, lộ trình thực hiện...
Để chuẩn bị tốt tâm lý cho phẫu thuật, bệnh nhân cần hiểu rõ về tái tạo vú, kết quả có thể mang lại, thời gian cần thiết, các tai biến biến chứng. Ngoài ra bệnh nhân cần được sự cảm thông, động viên của những người xung quanh.
"Để đạt được sự an toàn tối đa, phẫu thuật tái tạo vú cần được tiến hành tại các cơ sở y tế đảm bảo các trang thiết bị cần thiết cho phẫu thuật lớn, có đội ngũ gây mê hồi sức năng lực và các phẫu thuật viên tạo hình đã được đào tạo về kỹ thuật tái tạo vú", bác sĩ Phùng nhấn mạnh.
Lê Phương