77% bệnh nhân ung thư bàng quang có thể sống thêm 5 năm
Theo nghiên cứu của Hiệp hội Ung thư lâm sàng Mỹ (ASCO), tỷ lệ sống sót sau ít nhất 5 năm của ung thư bàng quang khoảng 77%.
Theo đó, tỷ lệ này còn phụ thuộc vào bản chất cơ thể của mỗi người, dựa trên các yếu tố như lứa tuổi, sức khỏe tổng thể, phát hiện ung thư ở giai đoạn nào, khả năng cơ thể đáp ứng điều trị tốt hay không... Vì vậy, cần theo dõi cơ thể thường xuyên để phát hiện các dấu hiệu bất thường, tiến hành khám và điều trị kịp thời.
Triệu chứng
Triệu chứng phổ biến nhất của ung thư bàng quang là đi tiểu ra máu. Nó có thể chỉ xảy ra một lượng nhỏ hoặc nhiều hơn, chuyển màu nước tiểu thành màu cam, hồng, đỏ. Một số trường hợp không xuất hiện dấu hiệu này, bệnh chỉ được phát hiện khi các bác sĩ xét nghiệm nước tiểu.
Ngoài ra, ung thư bàng quang còn có các dấu hiệu như đi tiểu nhiều lần hơn bình thường, cảm giác bỏng, rát khi đi tiểu, tiểu khó hoặc rất ít...
Nếu gặp tình trạng này, cần gặp bác sĩ ngay để nhận được các kiểm tra chuyên sâu. Tuy nhiên, không nên hoảng sợ bởi đây có thể là dấu hiệu của một số bệnh khác như nhiễm trùng đường tiết niệu, bàng quang...
Khi ung thư đã lan rộng, người bệnh sẽ nhận thấy một số triệu chứng buồn tiểu ngay cả khi bàng quang không đầy, đau lưng dưới, giảm cân mà không thực hiện chế độ ăn kiêng, tập luyện, sưng chân, đau xương, mệt mỏi thường xuyên. Để phát hiện bệnh, các bác sĩ sẽ thực hiện các phương pháp sau: Xét nghiệm nước tiểu, nội soi bàng quang, xét nghiệm hình ảnh, sinh thiết...
Giai đoạn
Cũng giống như các căn bệnh ung thư khác, ung thư bàng quang được chia thành nhiều giai đoạn dựa trên mức độ lan rộng của căn bệnh, từ đó, xác định phương pháp điều trị phù hợp.
Ủy ban Ung thư Mỹ (AJCC) đã tạo ra một phương pháp phân loại ung thư, gọi là hệ thống TNM, để đo mức độ lan rộng của bệnh. Trong đó, T là khối u, N là hạch bạch huyết và M là di căn. Khi thông báo kết quả, các bác sĩ sẽ đưa chỉ số sau các chữ cái, số càng cao, mức độ lan của ung thư càng rộng.
Các bác sĩ sẽ sử dụng kết quả hệ thống TNM để xác định giai đoạn ung thư 0, I, II, III và IV.
Giai đoạn 0: Ung thư chỉ xuất hiện ở trung tâm bàng quang, chưa lan sang các mô hoặc cơ ở thành bàng quang, hạch bạch huyết và các cơ quan khác.
Giai đoạn I: Ung thư đã phát triển vào lớp lót bên trong nhưng không phải cơ của thành bàng quang và chưa lan sang hạch bạch huyết và các cơ quan khác.
Giai đoạn II: Lúc này, ung thư đã xâm nhập vào các mô liên kết và lớp cơ của bàng quang.
Giai đoạn III: Ung thư đã xuất hiện ở mô mỡ bao quanh bàng quang, có thể lan sang tuyến tiền liệt, tử cung, âm đạo nhưng chưa tới hạch bạch huyết gần đó và các cơ quan ở xa.
Giai đoạn IV: Giai đoạn này có thể xảy ra các trường hợp sau:
- Ung thư xuất hiện ở bàng quang lan sang thành chậu và thành bụng nhưng chưa tới các hạch bạch huyết gần đó và các cơ quan ở xa.
- Ung thư đã lan tới các hạch bạch huyết gần đó nhưng chưa tới các cơ quan ở xa.
- Ung thư đã xâm nhập các hạch bạch huyết và các cơ quan ở xa như xương, gan, phổi...
Phương pháp điều trị
Phẫu thuật ắt bỏ khối u bàng quang (TURBT): Đây là phương pháp phổ biến nhất trong điều trị ung thư bàng quang ở giai đoạn đầu và người bệnh có thể xuất viện trong hoặc một ngày sau khi thực hiện.
Cắt bàng quang: Bác sĩ sẽ cắt một phần bàng quang để loại bỏ ung thư nhưng nếu chúng đã lan rộng, họ sẽ phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ bàng quang và các hạch bạch huyết gần đó.
Điều trị Intravesical: Phương pháp này cũng được sử dụng trong điều trị ung thư bàng quang giai đoạn đầu. Bác sĩ sẽ tiêm thuốc thông qua ống thông vào bàng quang. Để thực hiện phương pháp này, bác sĩ sử dụng một trong hai loại thuốc là miễn dịch và hóa trị intravesical, trong đó, thuốc miễn dịch giúp sử dụng chính hệ miễn dịch của cơ thể để chống lại các tế bào ung thư, còn thuốc hóa trị được đưa vào bàng quang để tiêu diệt các tế bào có hại.
Hóa trị: Đây là phương pháp các bác sĩ sử dụng cho giai đoạn IV. Hóa chất được đưa vào máu và tiêu diệt các tế bào ung thư đã vượt ra khỏi bàng quang tới các bộ phận khác trong cơ thể.
Xạ trị: Phướng pháp này sử dụng bức xạ có năng lượng cao để xử lý các tế bào ung thư, không gây đau đớn. Các bác sĩ sẽ chọn xạ trị nếu bệnh nhân đang ở giai đoạn đầu của bệnh, không thể phẫu thuật hoặc đã cắt bỏ một phần bàng quang để ngăn chặn ung thư quay trở lại.
Yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh
Các nhà khoa học chưa xác định nguyên nhân chính dẫn tới ung thư bàng quang nhưng yếu tố di truyền, chủng tộc, viêm bàng quang mãn tính, làm việc trong môi trường có hóa chất độc hại, hút thuốc, từng dùng một số loại thuốc điều trị tiểu đường... là những tác nhân làm tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang.
Nhật Lệ (Theo WebMD)
Báo điện tử VnExpress và Công ty Cổ phần Dược phẩm GoldHealth Việt Nam phối hợp mở chuyên mục “Ung thư” từ ngày 1/9/2019. Đây là nơi cung cấp cho độc giả kiến thức về ung thư từ cách nhận biết bệnh, phòng tránh, đến chăm sóc dinh dưỡng, cách tập luyện… Bệnh nhân cũng có thể chia sẻ lại câu chuyện của mình: khó khăn gặp phải trong quá trình điều trị, sự động viên và hỗ trợ đến từ người thân trong gia đình hay một chế độ dinh dưỡng hợp lý, thời gian biểu vận động hàng ngày... tại đây. Chuyên mục có sự đồng hành của đội ngũ chuyên gia, bác sĩ đầu ngành về các loại ung thư. Để tìm hiểu thêm thông tin, đọc giả hãy truy cập website https://genkstf.vn và https://ksol.vn; nếu cần hỗ trợ, tư vấn thêm về vấn đề ung thư, bạn đọc có thể gọi vào số tổng đài miễn cước 18006808 (trong giờ hành chính) hoặc 0962686808 (hotline - ngoài giờ hành chính), email: tuvan@ghv.com.vn.
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN UNG THƯ
Gửi câu hỏi tư vấn
Nguyên Giám đốc BV Ung bướu TP. Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam.
Chuyên gia cố vấn mục hỏi đáp
* Vui lòng điền chính xác số điện thoại và email để nhận được câu trả lời và tư vấn chuyên sâu từ chuyên gia
Sống như những đóa hoa, vươn về phía mặt trời
(*) Đây là cuộc thi viết về nghị lực bệnh nhân ung thư, độc giả có thể truy cập để gửi bài dự thi