Mụn trứng cá là bệnh da liễu rất phổ biến ở mọi độ tuổi và giới tính. Ngày 17/1, tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, cho biết một người có thể bị nổi mụn ở nhiều giai đoạn của cuộc đời. Có nhiều loại mụn trứng cá, thường gặp nhất là mụn đầu trắng, mụn đầu đen, mụn mủ, mụn dạng nốt nang (trứng cá mạch lươn)... Mặt, ngực, lưng là những vị trí dễ bị mụn nhất.
Theo Thư viện Y học quốc gia Mỹ, mụn trứng cá thường xuất hiện ở tuổi dậy thì do thay đổi nội tiết tố (hormone giới tính androgen gia tăng), ảnh hưởng tới khoảng 95% thanh thiếu niên. Nhiều người bị mụn trứng cá kéo dài khi trưởng thành. Tỷ lệ nữ giới xuất hiện tình trạng này cao hơn nam giới.
Trung bình mỗi ngày Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM tiếp nhận khoảng 20 lượt điều trị mụn hoặc các biến chứng của mụn. Phần lớn người bệnh còn trẻ (12-35 tuổi), tới khám do mặc cảm. "Nhiều thanh thiếu niên ở độ tuổi dậy rất tự ti vì mụn trứng cá, không ít trường hợp stress nặng, sống khép kín, không muốn đến trường vì mụn", bác sĩ Bích nói.
Đơn cử Giang, 25 tuổi, nhân viên kinh doanh, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám tháng trước khi hai má và trán dày đặc các nốt sưng viêm, thâm của mụn trứng cá cũ và mới sau khi nặn mụn ở spa. Ban đầu mặt chỉ có mụn ẩn li ti, mụn đầu đen. Cô tự nặn mụn, chăm sóc da, dùng nhiều loại mỹ phẩm, thuốc thoa mụn theo các hướng dẫn trên mạng. Vài ngày đầu, da hết mụn, sau đó bắt đầu nổi hàng loạt mụn viêm đỏ, sưng to, đau nhức, chảy dịch.
Công việc phải gặp khách hàng mỗi ngày, Giang trang điểm che mụn, càng khiến da tổn thương. "Chăm sóc, điều trị ở nhiều spa, tốn kém hàng chục triệu đồng nhưng mụn trứng cá không khỏi dứt điểm", Giang nói. Mụn thường xuyên tái phát. Cô hay đeo khẩu trang khi giao tiếp với khách hàng và thường từ chối các cuộc hẹn ăn uống.
Trường hợp khác là Uyên, 16 tuổi, khi chờ tới lượt khám cũng chọn ngồi ở góc khuất, đeo khẩu trang, đội mũ trùm kín đầu. Khi nói chuyện hoặc di chuyển, Uyên lấy tay che mặt.
Hai năm nổi mụn trứng cá dai dẳng ở mặt và ngực, em dần sống thu mình, kết quả học tập giảm sút. Ngoài giờ học chính ở trường, Uyên từ chối tham gia hoạt động ngoại khóa, văn nghệ, thể thao... dù trước đó tính cách sôi nổi. Có lần em tự mua và thoa các loại kem lột mụn, kem trộn nhưng bị kích ứng, khiến mụn bùng phát dữ dội. Khi đó, Uyên có ý định nghỉ học vì mặc cảm.
Bác sĩ Bích cho hay có nhiều nguyên nhân gây mụn, gồm da tiết nhờn quá nhiều, tắc nghẽn nang lông do dầu và tế bào chết, nhiễm khuẩn, chăm sóc da không đúng cách, thay đổi nội tiết tố, stress... Ngoài ra, khí hậu nóng ẩm gây đổ nhiều mồ hôi, sử dụng mỹ phẩm sớm hoặc không phù hợp với da, uống ít nước, hay thức khuya, ăn đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ, đồ ngọt... cũng làm tăng nguy cơ bùng phát mụn.
Mụn không được điều trị kịp thời có thể để lại biến chứng liên quan đến tính thẩm mỹ, như vết sẹo lồi hoặc rỗ, thâm nám tồn tại lâu dài gây khó chịu cho người bệnh và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Kết quả soi da của Giang và Uyên đều cho thấy tuyến dầu hoạt động quá mức, thừa dầu, lỗ chân lông to, viêm sưng, sẹo thâm. Nếu không chăm sóc da đúng cách, như tiếp tục nặn mụn, peel da có thể nhiễm trùng, tạo sẹo mụn (sẹo rỗ hoặc sẹo lồi trứng cá).
Uyên được bác sĩ Bích chỉ định lấy nhân trứng cá, điện di với thuốc trị mụn kết hợp thuốc uống, thuốc bôi. Điện di là phương pháp sử dụng xung điện đẩy thuốc có trọng lượng phân tử siêu nhỏ tới 100.000 dalton, giúp thuốc trị mụn thấm sâu vào da dễ dàng. Sau một tuần, da người bệnh hết viêm, sưng đỏ và tiếp tục được điện di với tinh chất dưỡng da để trị sẹo thâm, làm sáng da, thu nhỏ lỗ chân lông.
BS.CKI Nguyễn Thị Kim Dung peel da (tái tạo da bằng hóa chất) kết hợp công nghệ IPL (sử dụng ánh sáng xung cường độ cao) cho Giang, kết hợp thuốc uống gồm kháng sinh và kẽm, dùng thuốc chấm mụn. Hiện da mặt của Giang láng mịn, còn ít vết thâm, có thể chờ da tự phục hồi hoặc điện di để nhanh hết tăng sắc tố.
Tâm trạng của hai người bệnh cải thiện ở các lần tái khám. Họ vẫn cần duy trì chăm sóc da riêng theo bác sĩ hướng dẫn, đồng thời tái khám ngay khi mụn có dấu hiệu tái phát.
Theo bác sĩ Dung, một số sai lầm khiến mụn bùng phát mạnh hơn là lạm dụng mỹ phẩm, thuốc chứa corticoid, các sản phẩm trị mụn không rõ nguồn gốc. Bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp bùng phát mụn trứng cá toàn thân, bị nhiễm khuẩn, nhiễm trùng, sẹo khó hồi phục... do tự điều trị mụn tại nhà.
Bác sĩ Dung lưu ý thói quen tự nặn mụn, nhất là mụn mủ, nhọt, mụn đinh râu ở vùng chữ T (trán, mũi, cằm, miệng - nơi có nhiều mạch máu, dây thần kinh vùng sọ não) có thể gây phù, sưng mắt, méo mặt, nặng hơn là viêm tắc tĩnh mạch xoang hang não gây hôn mê, tử vong.
Để giảm nguy cơ nổi mụn trứng cá, các bác sĩ khuyến cáo nên rửa mặt hai lần mỗi ngày bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ không chứa dầu, luôn tẩy trang và làm sạch da trước khi đi ngủ, không sử dụng quá nhiều mỹ phẩm cũng như mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Người bệnh nên kiêng đồ ăn nóng, cay, ngọt; tránh thức khuya, căng thẳng và thường xuyên giặt vỏ gối, chăn, ga; đeo khẩu trang khi ra đường...
Trường hợp nổi mụn nhiều, nhất là mụn bọc, mụn nang và da tổn thương như sưng đỏ, có dịch mủ, đau nhức người bệnh cần sớm đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để được đánh giá tình trạng và điều trị chuyên sâu.
Bác sĩ khuyến cáo người bệnh tuyệt đối không thực hiện các phương pháp trị mụn truyền miệng như đắp lá cây, rượu thuốc, kem trộn, kem lột da... hoặc sử dụng đơn thuốc của người khác vì loại da, tình trạng mụn, cơ địa của mỗi người khác nhau. "Không có đơn thuốc nào phù hợp với tất cả mọi người. Tự điều trị có thể làm tăng nguy cơ bùng mụn và biến chứng nặng hơn", bác sĩ Dung nói.
Anh Thư - Đinh Tiên
* Tên người bệnh đã được thay đổi
20h ngày 18/1, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM tổ chức tư vấn trực tuyến "Điều trị mụn: hiệu quả, chống sẹo, ngừa tái phát - vui xuân đón Tết" phát trên fanpage VnExpress. Các bác sĩ chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da của bệnh viện tham gia gồm TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích; BS.CKI Nguyễn Thị Kim Dung; ThS.BS.CKI Trần Nguyễn Anh Thư. Độc giả có thể đặt câu hỏi tại đây để được tư vấn. |