"Tiếng nổ lớn vang lên, sau đó mọi người bỏ chạy", một nhân viên nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia nhắn tin từ thành phố Enerhodar mà Nga đang kiểm soát bên bờ sông Dnipro của Ukraine, kể về những quả đạn pháo rơi xuống khuôn viên nhà máy gần đây.
Một nhân viên khác cho biết tiếng nổ khiến các thiết bị rung lắc mạnh tới mức quản lý phải yêu cầu anh dừng làm việc. Nhiều người đã chạy trốn khỏi đây, trong khi những người còn lại đều trải qua mỗi ngày trong nơm nớp lo sợ kể từ khi Nga kiểm soát nhà máy này 6 tháng trước.
Nhiều người lo ngại rằng Nga có thể đang dàn dựng một cuộc tấn công tại nhà máy để đổ lỗi cho lực lượng Ukraine, với hy vọng nỗi lo về một thảm họa hạt nhân ở châu Âu sẽ buộc phương Tây gây áp lực để Kiev nhượng bộ lãnh thổ.
"Mọi thứ đã thay đổi, cuộc sống của chúng tôi đã đảo lộn", Svitlana, 53 tuổi, từng làm kế toán của nhà máy, chia sẻ khi bà và cả gia đình chuyển tới vùng lãnh thổ phía nam Zaporizhzhia. Họ mất 4-5 ngày để thực hiện hành trình hơn 120 km, khi các phương tiện ùn tắc ở các trạm kiểm soát của Nga.
"Nhân viên nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia liên tục làm việc trong tình trạng căng thẳng", bà nói.
Từng là thành phố với khoảng 50.000 dân trước xung đột, Enerhodar giờ còn rất ít cư dân. Với tên gọi có nghĩa "món quà năng lượng", thành phố Enerhodar được Liên Xô xây dựng vào năm 1970 cho các gia đình công nhân của nhà máy nhiệt điện ở đó. Nhà máy hạt nhân, có diện tích khoảng gần 1,3 triệu mét vuông với 6 lò phản ứng, được xây dựng sau đó 10 năm.
Vào đêm 3/3, khi lực lượng Nga tràn vào nhà máy, các công nhân không trong ca trực tập trung theo dõi cảnh quay về nhà máy bị tấn công mà chính phủ Ukraine phát trực tiếp trên TV.
"Chúng tôi rất lo cho những người ở đó, cũng như hậu quả của giao tranh với cơ sở hạt nhân này", một nhân viên giấu tên nói.
Tối hôm sau, anh tới nhà máy làm việc. "Điều khác biệt duy nhất là tinh thần của chúng tôi và an ninh ở cổng nhà máy", anh nói, thêm rằng có một xe tăng đỗ bên ngoài lò phản ứng.
Lính gác của Nga nói rằng họ chỉ được phép đến lò phản ứng mà họ đang làm việc. Công nhân nhà máy bị cấm trèo lên khu vực mái nhà máy nếu không được các quản lý của Rosatom, tập đoàn năng lượng hạt nhân Nga, cho phép. Rosatom phủ nhận tiếp quản các hoạt động của nhà máy, nhưng thừa nhận có một đội chuyên gia làm việc tại đó.
Thân nhân một số công nhân phàn nàn rằng họ không thể liên lạc được với người nhà trong nhà máy. Theo Energoatom, đơn vị vận hành nhà máy của Ukraine, 10 nhân viên đã mất tích. Một người đàn ông 30 tuổi kể rằng một công nhân bị bắt ở cổng khi tan làm và sau đó không còn xuất hiện.
"Mỗi ngày, tôi đều có suy nghĩ rằng mình có thể trở về nhà hôm nay hay không. Bạn luôn cảm thấy sẽ gặp nguy hiểm", anh nói.
Andriy Tuz, một người phát ngôn của nhà máy từng cảnh báo nguy cơ hỏa hoạn khi nhà máy bị Nga kiểm soát, đã xuất hiện trên truyền thông Nga cuối tháng 6, nói rằng ông rút lại các tuyên bố trước đây.
Tuz cho hay đang đi nghỉ ở thành phố Sochi, Nga. "Ở đây rất đẹp và mọi người rất thân thiện. Giờ tôi hiểu thông tin này là sai", ông nói, đề cập tới các tuyên bố của mình.
Cư dân địa phương nói rằng lực lượng Nga trở nên quyết liệt hơn kể từ khi thị trưởng thành phố do Nga bổ nhiệm bị thương trong một vụ nổ.
"Có cảm giác như mọi thứ đều bị nghe lén. Nếu bạn nói điều gì đó, bạn có thể bị bắt", một kỹ sư nhà máy, người đã rời đi tuần trước, cho hay.
Công nhân cho biết họ đau đầu với lựa chọn ở lại hay rời đi.
"Chúng tôi được dạy rằng ngay cả khi có một vụ nổ hạt nhân, chúng tôi vẫn phải ở lại tới phút cuối cùng", một công nhân bảo dưỡng thiết bị 40 tuổi nói. Ông ước tính chỉ khoảng 10% công nhân làm công việc tương tự chọn ở lại.
"Họ quá căng thẳng, thậm chí tới mức mất ngủ. Họ không thể liên lạc với gia đình khi đang làm việc, không biết thực sự chuyện gì đang diễn ra", ông nói.
Nga dường như không cố tình pháo kích vào nhà máy điện hạt nhân này, mà chỉ dùng nó để gieo rắc nỗi sợ hãi với Ukraine và phương Tây. Ngày 16/7, loạt pháo đầu tiên của quân đội Nga ở Enerhodar trút xuống thành phố Nikopol ở phía bên kia sông Dnipro. Cư dân địa phương cho biết các cuộc pháo kích thường bắt đầu vào cuối tuần và buổi tối, nhưng đã tăng tần suất trong những ngày gần đây.
Hôm 10/8, một quả rocket lao vào tòa chung cư của Natalya Khodak, 47 tuổi, người đã sống ở đây từ khi 5 tuổi. Chứng kiến cảnh nhân viên cứu hộ kéo người hàng xóm tầng trên ra khỏi đống đổ nát, Khodak cho hay mọi người đều lo lắng về nguy cơ rò rỉ hạt nhân.
"Mọi người đều nghĩ tới Chernobyl", cô nói, đề cập tới thảm họa hạt nhân ở miền bắc Ukraine năm 1986, khi quốc gia này còn thuộc Liên Xô. "Nhưng nếu có một vụ nổ, chúng tôi cũng không thể làm gì".
Quân đội Ukraine ở đây cho biết họ đang bắn trả các vị trí của Nga ở phía bên kia bờ sông một cách thận trọng. "Chúng tôi không bắn về phía nhà máy trong bất kỳ hoàn cảnh nào", Serhii Ukrainyets, một người lính 42 tuổi, nói.
Ukraine khẳng định rằng các cuộc pháo kích của Nga đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà máy. Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galushchenko cáo buộc Moskva "khủng bố hạt nhân".
"Các cuộc pháo kích của Nga đã tạo ra rủi ro chưa từng có đối với an ninh hạt nhân của Ukraine, các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế", ông nói.
Cuối tuần qua, Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố lực lượng Ukraine sẽ nhắm mục tiêu vào những lính Nga bắn vào nhà máy Zaporizhzhia hoặc sử dụng nó làm căn cứ để tiến hành tấn công.
Không giống như các lò phản ứng ở Chernobyl, 6 lò phản ứng ở Zaporizhzhia được bảo vệ bằng bê tông cốt thép. Chuyên gia cho biết nó có thể vẫn an toàn dù bị một chiếc máy bay nhỏ đâm trúng.
Olga Kosharna, chuyên gia hạt nhân và cựu thành viên ban thanh tra quản lý hạt nhân Ukraine, tin rằng Nga có lợi ích trong bảo vệ nhà máy nguyên vẹn, bởi họ đang cố gắng kết nối nhà máy với lưới điện của bán đảo Crimea.
Tuy nhiên, vấn đề đáng lo hơn là tình hình của nhân viên làm việc ở đây. Môi trường căng thẳng cao độ có thể tăng thêm nguy hiểm cho các công nhân trong bất kỳ tình huống khẩn cấp nào. Các vụ tai nạn hạt nhân, như sự cố Three Mile Island ở Mỹ năm 1979, có một phần lỗi do con người.
"Tôi lo lắng về vấn đề nhân sự. Nguy cơ xảy ra sai sót là rất lớn. Trong tình huống khẩn cấp và có quá nhiều nhân viên rời đi, nó sẽ là vấn đề", cô nói.
Một nhân viên nhà máy chia sẻ rằng anh từng muốn ở lại và chờ đợi ngày chiến thắng. Nhưng khi tình hình ngày một xấu đi và ngày càng ít người chọn ở lại, anh nói "có lẽ đã đến lúc phải rời đi".
Thanh Tâm (Theo Washington Post)