Năng lực quốc phòng của Ukraine đang tăng lên với lực lượng quân sự ngày càng đông đảo cùng nhiều khí tài hiện đại của phương Tây, giúp họ ngăn chặn đà tiến của quân Nga. Nhưng tìm kiếm nguồn tiền để trả lương cho lực lượng này lại là nỗi đau đầu với Bộ trưởng Tài chính Ukarine Sergii Marchenko.
Marchenko đang phải tìm cách cân bằng giữa chiến phí ngày càng tăng với nguồn thu từ thuế giảm sút, trong bối cảnh nền kinh tế đất nước bị tàn phá nặng nề trong chiến sự. Nguồn viện trợ tài chính chậm chạp từ phương Tây, đặc biệt là Liên minh châu Âu (EU), khó giúp ông giải quyết vấn đề này.
"Đêm cũng như ngày, đó là nỗi đau đầu không dứt với tôi", Bộ trưởng Marchenko mô tả.
Xét theo thu nhập bình quân đầu người, Ukraine là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Âu trước chiến sự. Những cuộc khủng hoảng kinh tế liên tục kéo lùi quốc gia này, trong khi các nước Đông Âu khác gia nhập EU và phát triển mạnh. Khát vọng hướng nền kinh tế theo mô hình phương Tây của Ukraine được cho là một trong những nguyên nhân châm ngòi xung đột với Nga, theo bình luận viên Marcus Walker của WSJ.
Sản lượng kinh tế Ukraine bắt đầu sụt giảm khi xung đột bùng phát hồi tháng 2, với tổng sản phẩm quốc nội hàng tháng giảm gần một nửa trong tháng 3 do các doanh nghiệp phải đóng cửa, hàng triệu người bỏ nhà cửa đi sơ tán. Nhiều cơ sở hạ tầng kinh tế bị đình trệ, trong khi Biển Đen bị phong tỏa, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu ngũ cốc.
Thiếu tiền có nguy cơ trở thành "gót chân Achilles" của Ukraine. Trước chiến sự, chính phủ Ukraine nỗ lực cân bằng giữa thu và chi. Nhưng hiện nguồn thu từ thuế chỉ trang trải được khoảng 40% chi tiêu chính phủ, trong khi chiến phí chiếm tới 60% ngân sách.
Ông Marchenko nói đã cắt giảm chi tiêu không cần thiết "đến tận xương tủy", nhưng chính phủ Ukraine vẫn cần khoảng 5 tỷ USD/tháng để trang trải chi tiêu phi quân sự.
Phương Tây đã cam kết hỗ trợ và cho Ukraine vay khoảng 30 tỷ USD trong năm nay, nhằm giúp Kiev đa dạng nguồn lực phân bổ cho chiến sự. Nhưng nguồn này không đủ đáp ứng nhu cầu của Kiev, trong khi việc giải ngân cũng chậm chạp.
Bộ trưởng Marchenko đã liên tục thúc giục phương Tây chi tiền nhanh hơn. "Sự hỗ trợ đó mang lại cơ hội chiến thắng, nhưng chúng cần đến tay chúng tôi càng sớm càng tốt", ông nói. "Nếu không có số tiền này, chiến sự sẽ kéo dài hơn, gây thiệt hại nặng nề hơn với nền kinh tế".
Hôm 10/4, các chủ nợ nước ngoài của Ukraine đã đồng ý hoãn khoản thanh toán 20 tỷ USD tới năm 2024, cho phép nước này "duy trì ổn định tài chính vĩ mô và tăng cường tính bền vững cho nền kinh tế". Quyết định hoãn nợ này cùng một số thỏa thuận tương tự hồi tháng trước sẽ giúp Kiev tiết kiệm khoảng 5,9 tỷ USD trong hai năm tới, song đây chỉ là một phần nhỏ so với khoản thiếu hụt của Ukraine.
Giới chức Ukraine cho biết Mỹ và Anh đang thực hiện các cam kết viện trợ tài chính, nhưng đồng thời bày tỏ nỗi thất vọng vì quá trình giải ngân của EU bị chậm trễ do tranh cãi nội bộ giữa Đức và Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của khối.
Ukraine đến nay mới nhận được một tỷ trong tổng số 9,2 tỷ USD trong cam kết của EU. Đức đã chuyển cho Ukraine khoản tài trợ song phương trị giá một tỷ USD hồi tháng 6, song phản đối kế hoạch cung cấp các khoản vay lãi suất thấp của EU cho Kiev.
Rostyslav Shurma, cố vấn kinh tế của Tổng thống Zelensky, cho biết Ukraine không có thời gian chờ đợi cuộc tranh luận kéo dài của EU. "Nếu chúng tôi cũng hành động chậm chạp như vậy, người Nga giờ đây đã ở biên giới Ba Lan", ông nói. "Vấn đề là EU không cảm thấy sức nóng của chiến tranh. Điều duy nhất họ cảm thấy là vật giá leo thang, "ông Shurma nói.
Để bù đắp thiếu hụt, chính phủ Ukraine đã phát hành trái phiếu chiến tranh cho người dân, nhưng khoản tiết kiệm của họ cũng có hạn. Nhiều người Ukraine đang phải sống bằng tiền tiết kiệm, trong đó có hàng triệu người tị nạn.
Ngân hàng Quốc gia Ukraine đang tìm mọi cách bù đắp khoản thiếu hụt bằng cách in thêm tiền để trả lương cho binh sĩ và mua vũ khí, đạn dược.
Từ năm 2015, Ngân hàng Quốc gia Ukraine đã tăng cường tính độc lập về chính trị của mình và áp dụng chính sách chống lạm phát theo yêu cầu cải cách của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Nhưng từ khi xung đột bắt đầu, ngân hàng này đứng trước hai lựa chọn, hoặc duy trì chính sách cũ, hoặc in thêm tiền để cứu chính phủ khỏi phá sản.
"Đó là một quyết định rất đau đớn", Sergiy Nikolaychuk, phó thống đốc Ngân hàng Quốc gia Ukraine, cho biết. "Chúng tôi không còn cách nào khác, nếu không nền tài chính công sẽ sụp đổ".
Ngân hàng in thêm tiền và mua trái phiếu chính phủ, tùy thuộc vào lượng viện trợ tài chính phương Tây gửi đến mỗi tháng. Nhưng điều này làm suy yếu đồng tiền quốc gia, đẩy lạm phát lên cao và làm dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế mong manh của Ukraine có thể làm suy yếu năng lực quân sự trong xung đột.
Việc in nhiều tiền vào tháng 6 đã gây áp lực lên tỷ giá hối đoái của đồng hryvnia của Ukraine, khiến ngân hàng trung ương phải phá giá tiền tệ so với đồng USD vào tháng 7. Giá trị của đồng tiền này đã giảm khoảng 30% kể từ khi chiến sự bắt đầu, đẩy lạm phát tăng hơn 20%.
Theo Phó thống đốc Nikolaychuk, nếu phương Tây giải ngân khoảng 3 tỷ USD mỗi tháng, Ngân hàng Quốc gia Ukraine có thể kiểm soát được mức độ in tiền. Ngân hàng cũng đang thúc giục chính phủ tăng thuế và cắt giảm chi tiêu để bảo vệ ổn định tài chính, nhưng ông Nikolaychuk cho rằng phương án này không khả quan.
"Đôi khi chúng tôi có quan điểm khác với Ngân hàng Quốc gia", Bộ trưởng Tài chính Marchenko bày tỏ. "Chúng ta phải quan tâm tới việc giành chiến thắng. Thà chấp nhận lạm phát cao, còn hơn không thể trả lương cho binh sĩ".
Bộ trưởng Tài chính Ukraine đang cố gắng tính đường xa, khi phải tìm cách trang trải chiến phí nếu xung đột tiếp tục kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm tới.
"Đây là một cuộc chiến tiêu hao kéo dài, một cuộc đua marathon, buộc bạn phải tính tới những gì sẽ xảy ra trong năm nay và năm sau", ông nhấn mạnh.
Đức Trung (Theo WSJ)