Những ngày này, người dân khắp mọi miền đất nước đang phải ngày đêm đối mặt với muôn vàn khó khăn, nguy hiểm khi cơn đại dịch hoành hành. Biết bao câu chuyện xúc động đã và đang diễn ra giữa "cơn cuồng phong" Covid-19. Nhìn cảnh hàng chục bé mẫu giáo, có cháu chưa đầy hai tuổi đã phải cách ly vì dịch bệnh, có lẽ không ai nén được lòng thương cảm.
Nhưng thật không ngờ, trong những ngày cách ly xa bố mẹ ấy, các cháu bỗng trở nên cứng cỏi lạ thường, tự giác ăn ngủ, sinh hoạt, không hề kêu khóc. Dường như các cháu – những tâm hồn còn thơ dại ấy – đã phần nào cảm nhận được những gì đang diễn ra quanh mình, trong cuộc "đấu tranh sinh tồn" có một không hai này.
Tôi tình cờ xem được đoạn clip khoảng 30 giây, ghi lại cảnh cháu bé mới hai tuổi ở khu bệnh nhân chờ phân loại, bước đi khó khăn trong bộ đồ bảo hộ thùng thình, ngã lên ngã xuống, không ngớt khóc đòi mẹ.
Do dịch Covid-19 kéo dài, bốn mẹ con nọ thất nghiệp, không có tiền trang trải cuộc sống, nên quyết định đạp xe về quê ở Nghệ An trong suốt 10 ngày, quãng đường 282 km từ Trảng Bom (Đồng Nai) đến Ninh Phước (Ninh Thuận). Rồi còn hình ảnh một cháu bé chín ngày tuổi được quấn trong chiếc áo da, theo bố mẹ vượt ngàn cây số về quê ở tận huyện miền núi Tương Dương, Nghệ An...
Tất cả những hình ảnh đó phản ánh một thực tế rằng con người đang tìm mọi cách để chống chọi trước con virus quái đản. Xin kể lại một đoạn trong cuộc điện đàm trong nước mắt của người bạn tôi mới đây:
"- Chị vừa được tin L. mất. Chuyện thế nào đấy em?
- Dạ, chị ơi, anh mới mất sáng nay, bị dương tính, vào viện được ba hôm thì mất.
- Nhưng nó khỏe thế cơ mà. Sao có thể ra đi nhanh vậy được?".
"-Thú thật với chị, cả nhà em đi cách ly hết rồi, mình em chạy tất tả ngược xuôi. B. cũng bị ung thư dạ dày mới mổ, giờ cũng dương tính rồi, không biết có qua được không? Hôm qua em về nhà thì đã bị phong tỏa không về được nữa. Cả nhà giờ chỉ còn mình em, nên đành ngược xuôi hết đến viện này đến chỗ cách ly kia, chạy vòng ngoài để tiếp tế cho mọi người...".
Hôm dịch mới bung, vợ chồng bạn tôi lo lắng cho người thân ở Sài Gòn, bảo nhau: "Khổ nhất dân nghèo Sài Gòn, dịch bùng phát sẽ hết sức nguy hiểm". Vậy mà mọi chuyện đến quá nhanh. Thằng em con cô vốn rất khỏe mạnh, từng làm hiệp sĩ đường phố bắt cướp năm xưa, mới mấy ngày đã vội vã ra đi. Có lẽ, không riêng gì anh chị, mà cả tôi và bạn, ai cũng mong ngày Sài Gòn trở lại bình yên mà sôi động như vốn có của thành phố này.
Năm ngoái, trước lúc mẹ tôi mất một ngày, Buôn Ma Thuột cũng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, chúng tôi không thể về chịu tang mẹ. Thôi đành nuốt nỗi đau nhói tận tâm can, chúng tôi chịu tang mẹ qua sóng mạng, bằng lời cầu nguyện cho hương linh người nhẹ nhàng, thanh thản đi vào cõi vĩnh hằng. Năm nay giỗ đầu mẹ, tôi cũng không thể có mặt ở quê nhà, cùng cha và các em thắp nén nhang trên bàn thờ mẹ hay trước mộ phần của người, bởi Buôn Ma Thuột lại vừa phong tỏa theo Chỉ thị 16.
Hàng trăm ngàn người khác đã và đang chịu cảnh ngộ như tôi bây giờ. Tôi căm hận đến tận xương tủy con virus đã ngăn mặt cắt lòng, khiến hàng triệu người đau đớn, lâm cảnh bần cùng, hàng bao gia đình ly tán. Nhưng hơn lúc nào hết, đây là lúc tình đất nước, nghĩa đồng bào giữa cuồng phong đại dịch được thể hiện. Không nỗi đau nào riêng của ai.
Người dân trên dải đất hình chữ S này vẫn không hề gục ngã. Càng khó khăn, gian khổ, mất mát, người Việt càng bao bọc lấy nhau như tre kia đã thành biểu tượng từ ngàn đời nay của dân tộc: bất khuất, kiên cường trước mọi thử thách, nguy nan.
Trong vòng tay lớn, tôi thấy đồng bào mình bao bọc, chở che nhau vượt qua dịch bệnh. Một củ khoai, một hạt gạo, một cọng rau lúc này cũng đủ ấm lòng người sẻ chia trong cơn hoạn nạn. Chưa bao giờ như bây giờ, tình dân tộc nghĩa đồng bào lại tỏa sáng rực rỡ đến thế, giữa căng thẳng của đại dịch Covid-19.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.