Ngày 6/8, toàn thành phố Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội, chỉ có những người được cấp giấy đi đường như tôi mới được lưu hành trong thành phố. Tôi là một Thạc sĩ về nông nghiệp ở Nhật, ngoài công việc tại công ty, tôi còn tham gia công việc thiện nguyện. Một người anh quen biết từ lâu gọi tôi đến nhận rau hữu cơ để đi tình nguyện. Tôi nghĩ chắc là anh ấy mua tích trữ từ trước nên giờ chia sẻ cho bà con khó khăn.
Khi đến nhà anh, điều làm tôi hết sức ngạc nhiên là không thấy rau hữu cơ đâu cả, càng ngạc nhiên hơn là lúc anh mở tủ lạnh ra lấy nước mời tôi uống tôi cũng chẳng thấy rau, thịt, cá gì hết. Nó hoàn toàn không giống như cái tủ lạnh ở nhà tôi, nơi nhồi nhét đủ thứ thực phẩm, nhất là trong mùa dịch này. Biết tôi đang thắc mắc, anh chỉ tay vào sáu cái bao gạo và nói: "Đây là giải pháp chống dịch bền vững cho tám người của gia đình tôi". Tôi càng không hiểu cho đến khi anh đưa tôi lên sân thượng cao chót vót tận tầng bốn để lấy rau hữu cơ. Lúc này, tôi mới thực sự choáng ngợp.
Trước mắt tôi là cả một khu vườn đầy hoa trái, xanh ngắt được bố trí gọn gàng, ngăn nắp, nền lát gạch màu đỏ đậm, rất thoáng mát và sạch sẽ, phía trên lợp lưới lan hạn chế nắng và gió Lào. "Thằng cha này kín thật", tôi thầm nghĩ trong bụng, vì quen biết từ lâu mà chưa bao giờ "hắn" cho tôi biết rằng có cả cái vườn như thế này. Tôi chột dạ, trước đây, mỗi khi có dịp ngồi cà phê với nhau, tôi thường tự hào rút cái điện thoại ra khoe những hình ảnh "tuyệt vời" về giàn thủy canh của tôi mà chẳng thấy "hắn" đả động gì, lại còn xem chăm chú và khen "quá đẹp, quá tốt...", làm tôi càng phấn khích. Giờ đây, đứng trước mảnh vườn chưa đầy 70 m2 này của "hắn", tôi thực sự bối rối.
Khu vườn nhỏ nhưng cách bố trí rất hay: dưới nuôi cá rô đồng, trê vàng, sặc rằn, con nào con nấy to bự, mỗi khi cho ăn, chúng phi lên ào ào khỏi mặt nước...; phía trên trồng hầu như không thiếu thứ gì, nào là dền, cải, bắp cải, xúp lơ, xà Lách Romaine đỏ, bầu, bí, khổ qua, dưa lưới Nhật, cà chua, cà tím, dưa chuột, các loại rau gia vị như húng quế, bạc hà, hành, hẹ... Điều đặc biệt nhất khiến tôi bất ngờ là có cả măng tây xanh, nho đỏ Ninh Thuận, chè xanh Thái Nguyên, và còn có cả rau rừng như rau dớn, bò khai, rau ngót... cực kỳ xanh tốt trong cái hộp mà anh gọi là "Earthbox".
Chắc hẳn sẽ có bạn bảo: "Biết rồi, đây là mô hình Aquaponic chứ có gì đâu". Đúng thế , nhưng nó cực kỳ đơn giản, khác biệt và độc. Nếu có điều kiện, tôi sẽ nói thêm về những thất bại khi trồng rau hữu cơ của tôi trong những bài viết sau để các bạn hiểu rằng công việc này không đơn giản chút nào.
Chúng tôi bắt đầu thu hoạch rau vào hai thùng to mang theo, chẳng mấy chốc là đầy. Anh bạn tôi bảo rằng, gia đình vẫn không dùng hết, tôi có thể quay lại lấy tiếp nếu cần. Tôi đi lấy rau nhiều nơi, nhưng quả thực thấy rau ở chỗ anh rất khác biệt, màu xanh rất tự nhiên, rau thu hoạch vào thùng mà không hề héo như mấy chỗ khác, và cả khu vườn hầu như không có lấy một con sâu, con rầy nào...
Anh bảo rằng, sở dĩ vậy là do anh trồng chuẩn hữu cơ, tức là tuyệt đối: không dùng thuốc trừ sâu, không dùng thuốc diệt cỏ, không dùng nấm hóa học, không bón phân hóa học, không dùng giống biến đổi gen (GMO’s). không dùng thuốc kích thích tăng trưởng. Anh nói rằng phải mất đến bảy năm và trải qua vô số thất bại với nhiều giải pháp trồng rau khác nhau, cuối cùng anh mới thiết kế được giải pháp này, thứ mà anh gọi vui là "BTN Aquaponic" (back to nature - trở về với thiên nhiên).
>> Sống khổ vì hàng xóm trồng rau, nuôi gà trên sân thượng
Anh hối tôi đem rau về để kịp đi phân phối hỗ trợ bà con trong lúc giãn cách toàn thành phố chống Covid-19. Tôi và anh khiêng hai bao tải rau xuống dưới nhà. Tôi chợt nghĩ, nếu mỗi gia đình chỉ cần xây dựng một vườn rau hữu cơ như chỗ anh, mua thêm ít gạo thì việc tự chủ nguồn thực phẩm và yên tâm ở trong nhà trong những ngày giãn cách thật đơn giản và hữu ích.
Theo lời anh nói, việc xây dựng khu vườn quy mô cho gia đình có giá rất rẻ, mà không cần phải chăm sóc gì nhiều, chỉ cần "vãi hạt xuống là thu hoạch rau" để dùng, đặc biệt là rau hữu cơ tuyệt đối. Anh khuyên tôi cần phân biệt sự khác nhau giữa "rau hữu cơ" và "rau sạch" hay còn gọi là "rau an toàn", để hướng dẫn bà con hiểu và vận dụng cho đúng. Sau đó, tôi chia tay và hẹn gặp lại anh với những ấp ủ về việc nhân rộng mô hình này trong các gia đình ở thành phố.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.