Đọc bài viết "Không bằng cấp nhưng lương 'đè bẹp' mấy người bạn tốt nghiệp đại học" tôi muốn phản biện lại quan điểm của tác giả TNH. Bản thân tôi không hẳn là người không có bằng cấp, nhưng bằng của tôi là bằng IT. Sau một thời gian đi dạy học, tôi quyết định chuyển ngang sang ngành Tài chính ngân hàng.
Đương nhiên, tôi được tuyển dụng không phải vì bằng cấp. Cũng như tác giả bài viết trên, tôi được tuyển chỉ vì làm được việc và lúc đó công ty cần tôi. Nhờ làm đúng sở trường, tôi phát triển khá nhanh, có mức lương cũng khoảng hơn 30 triệu đồng. Thậm chí, tôi có rất nhiều "offer" (lời đề nghị công việc) tốt từ các ngân hàng và nhiều công ty khác.
Nhưng đó chỉ là câu chuyện khi tôi ở độ tuổi 30. Còn khi bước ra ngoài tuổi 40, mọi chuyện thay đổi hoàn toàn. Tôi tự tôi cảm thấy mình không còn nhanh nhạy như xưa nữa, gần như chỉ làm "tròn vai" trong công việc mình đang phụ trách.
Thế rồi, nơi tôi làm việc có cuộc thay đổi Chủ tịch, ban lãnh đạo mới yêu cầu rà soát toàn bộ nhân sự và sẵn sàng cho nghỉ việc đối với những người học trái ngành mà năng suất lao động không thật sự xuất sắc. Nếu vài năm trước tôi không có sự phòng bị, cố phòng thân thêm tấm bằng Thạc sĩ chuyên ngành Tài chính ngân hàng, thì có lẽ giờ tôi đã nằm trong nhóm có nguy cơ thất nghiệp.
>> Hai bằng đại học nhưng tôi 'chẳng được tích sự gì'
Vậy nên, nếu bạn đang thành công dù làm trái ngành hoặc không cần có bằng cấp thì đó có thể là do bản thân bạn biết nắm bắt thị trường lao động, nhưng cũng một phần là do may mắn. Tuy nhiên, nên nhớ may mắn sẽ không bao giờ tồn tại mãi mãi. Bạn sẽ luôn phải trau dồi may mắn đó bằng việc học hỏi, cải tiến, phát triển mình mỗi ngày trong lĩnh vực mà mình theo đuổi.
Việc hừng hực khí thế làm việc dù không có bằng cấp thực tế rất ít người giữ được khi bước qua ngưỡng tuổi 40, 50. Vậy nên, lời khuyên của tôi dành cho các bạn trẻ là cứ "cháy" hết mình với đam mê của hiện tại, cứ làm những công việc bạn thích và cho rằng phù hợp với bản thân, để nâng cao thu nhập. Nhưng hãy nhớ rằng, những thành công ban đầu không phải là dấu chấm hết.
Quan trọng hơn cả, bạn phải biết tìm cho mình một đường lui với vài phương án dự phòng. Và hai trong số những phương án an toàn nhất chính là: phải tự do tài chính sớm; và phải phòng thân bằng các loại bằng cấp cơ bản để có thể phù hợp và tồn tại được ở bất cứ thời đại nào, với bất cứ thay đổi nào. Trong đó, bằng Đại học chính là một thứ bằng cấp cơ bản nhất để mang đến cho bạn sự an toàn.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- Có nhà, có xe sau 8 năm tốt nghiệp đại học
- Tôi nhận ra giá trị bằng đại học tại Việt Nam sau khi đi du học
- Khi cử nhân đại học kéo nhau xuống đường làm shipper, xe ôm công nghệ
- Đại học phải chịu trách nhiệm khi sinh viên 'mới tốt nghiệp đã thất nghiệp'
- Học trường nghề vẫn làm sếp của Thạc sĩ, kỹ sư
- Những sinh viên bằng giỏi nhưng hỏi gì cũng không biết