"Trực tiếp đi phỏng vấn thực tế, tôi mới thấy mấy điểm số của nhiều trường đại học 'ảo' tới mức nào. Ở đây, tôi không cần các bạn sinh viên mới ra trường phải biết trước tất cả những gì mình sẽ phải làm khi bước chân vào doanh nghiệp. Cái chúng tôi cần là các bạn phải hiểu rõ những gì đã được học hoặc thực hành trong trường mà thôi. Thế nhưng, thực tế, lúc phỏng vấn, mỗi khi tôi hỏi kỹ một vấn đề nào đó đôi chút là các bạn đều ậm ừ hàng loạt.
Một ví dụ thường gặp đó là các sinh viên khi làm đồ án toàn lấy những phần đã có sẵn trên mạng rồi dùng lại, chứ chưa chắc đã hiểu các phần ấy làm gì cụ thể ở bên trong (bản chất). Mà cứ cho vậy cũng được, thì sản phẩm đầu ra của các bạn hoạt động cũng chẳng có gì cải tiến (thậm chí còn tệ hơn) so với các năm trước. Vậy thì các bạn ấy học và nghiên cứu cái gì?
Quả thật, ngành mà tôi đang làm cũng có tỷ lệ sinh viên đáp ứng yêu cầu về kỹ năng và chuyên môn mà doanh nghiệp cần chỉ khoảng 10%. Bằng đại học thì toàn loại giỏi với xuất sắc, nhưng tôi rất băn khoăn về cách cho điểm ở các trường hiện nay. Đại học mà đầu ra chẳng đâu vào đâu thì chất lượng sinh viên là một dấu hỏi lớn".
Đó là chia sẻ của độc giả Duy Trịnh Khắc xung quanh thực trạng "Sinh viên xuất sắc nhiều nhưng vẫn phải đào tạo lại". Hiện nay, có một sự bất cập trong đánh giá sinh viên tốt nghiệp, khi mà tỷ lệ khá, giỏi, xuất sắc của một số trường lên tới 99%. Đa số doanh nghiệp chưa hài lòng về chất lượng sinh viên tốt nghiệp, tình trạng thiếu người nhưng khó tuyển hoặc phải đào tạo lại rất phổ biến.
Cùng chung nỗi trăn trở về chất lượng sinh viên ra trường, bạn đọc Nana bình luận: "Tôi cũng có cơ hội phỏng vấn sinh viên ra trường, và nhận thấy rằng thực sự là kiến thức chuyên môn của các bạn rất yếu. Có bạn học bốn năm ngành Tài chính - Kế toán ở một trường Đại học công lập có tiếng ở TP HCM, bảng điểm loại giỏi, nhưng khi được hỏi đến chuyên ngành, bạn không biết cả những cái cơ bản về báo cáo tài chính.
Thậm chí, nhiều bạn còn không biết được những kiến thức cơ bản như: bảng cân đối kế toán là phải cân đối giữa hai bên tài sản và nguồn vốn; hay khi cần tiền mặt đi trả nợ thì phải giảm cả tài sản lẫn nguồn vốn... Các bạn muốn phân tích báo cáo tài chính, nhưng lại không biết những thứ cơ bản như vậy thì phân tích được gì? Tôi thật sự rất thất vọng về cách đào tạo hiện tại ở cá trường đại học, sinh viên hầu như chỉ 'cưỡi ngựa xem hoa' hết bốn năm trời".
>> Sinh viên ra trường với kinh nghiệm 4 năm chạy xe ôm công nghệ
Chỉ ra nguyên nhân dẫn tới chất lượng sinh viên ra trường giảm sút, không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, độc giả Tuantrannd phân tích: "Học lý thuyết quá nhiều và thiếu kỹ năng thực hành thực tế là mấu chốt của vấn đề này. Vì trên thực tế, nước ta vẫn quá chú trọng việc đào tạo hàn lâm, chưa có liên kết giữa đào tạo và nhu cầu tuyển dụng thực tế của doanh nghiệp nên tình trạng sinh viên xuất sắc ra trường không làm được việc vẫn rất nhiều.
Trong khi đó, các khối trường nghề vẫn đào tạo trọng tâm chuyên môn tay nghề và có liên hệ đặt hàng với các doanh nghiệp, nên chất lượng học viên có thể đáp ứng ngay các vị trí tuyển dụng. Từ đó, trên thực tế cơ hội việc làm của nhóm học nghề đôi khi còn cao hơn các bạn sinh viên xuất sắc".
"Các trường vẫn đang đào tạo cho đẹp CV của sinh viên chứ chưa giúp ích được cho công việc thực tế của các bạn sau này. Muốn cải thiện điều này, theo tôi rất đơn giản là doanh nghiệp phải hợp tác chặt chẽ hơn với nhà trường, theo nguyên tắc cộng sinh. Doanh nghiệp sẽ có được nhân lực chất lượng cao và sát nhu cầu thực tế; còn nhà trường cũng có nguồn lực tài chính để tái phát triển cơ sở đào tạo.
Điều này, các nước trên thế giới đã áp dụng từ lâu. Họ có những chính sách rất thực tế theo kiểu 'săn đầu người'. Nếu đã cho các trường tự thu, tự chi, thì nhà trường cũng phải được quyền quyết định những nguồn thu đó từ bên ngoài các doanh nghiệp",bạn đọc Dntk kết lại.
>>Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.