Đọc bài viết "Tôi bỏ nghề giáo thay vì dạy thêm kiếm tiền", là một giáo viên từng vào biên chế được một năm thì xin nghỉ và về dạy ở các trường chất lượng cao, tôi có quan điểm khác tác giả. Theo tôi, ngày nào giáo viên còn được dạy thêm chính học sinh mình đang chấm điểm trên lớp, thì ngày đó còn chuyện ép học thêm, vì luôn tồn tại những giáo viên thiếu năng lực nhưng lại muốn có tiền làm ngoài.
Có một biện pháp đang được nhiều trường áp dụng, giúp giảm bớt tình trạng chèn ép của giáo viên, đó là thuê người ra đề kiểm tra, đề thi ở bên ngoài (các bài thi giữa kỳ và cuối kỳ), tức là giáo viên trong trường không liên quan gì nội dung đề thi mà chỉ được biết ma trận và chấm máy. Điểm số các bài thi này chiếm hơn nửa điểm thành phần của học sinh. Phần còn lại là điểm hệ số 1, vẫn do các giáo viên dạy chính khóa trên lớp quyết định, nhưng nói chung không còn ảnh hưởng quá lớn đến kết quả cuối cùng của học sinh.
Việc cấm giáo viên dạy thêm học sinh mình đang quản lý trên lớp, theo tôi không khó. Quan trọng là các nhà trường, Bộ và Sở có muốn làm quyết liệt hay không? Như trường tôi dạy, chuyện cấm dạy thêm đã được áp dụng từ lâu, ai vi phạm là phạt nặng. Ngoài cấm dạy thêm, trường còn cấm giáo viên nhận quà từ học sinh và phụ huynh (trừ hoa tặng trực tiếp trên lớp). Nhờ đó, toàn trường tôi chẳng bao giờ có chuyện ép uổng vì đâu có gì để ép. Giáo viên nào dạy tốt sẽ được nhà trường và học sinh tôn trọng, còn ai dạy kém thì học sinh chẳng thèm học và xin đổi thầy cô khác ngay. Môi trường giáo dục vì đó rất công bằng và trong sạch.
>> Tôi khuyến khích con học thêm giáo viên ngoài
Nhiều bạn muốn cấm triệt để dạy thêm và đưa ra so sánh rằng "tại sao trường quốc tế không dạy thêm, học thêm mà học sinh vẫn học tốt, không hề quá tải kiến thức ở như trường công?". Theo tôi điều đó có phần phiến diện. Khác với trường công, trường quốc tế thường gộp tất cả dịch vụ ở trong đó. Ví dụ, cháu tôi đi học lớp có chưa đến 20 học sinh mà một môn có đến ba giáo viên: giáo viên dạy chính, giáo viên trợ giảng và một giáo viên hỗ trợ.
Giáo viên dạy chính dạy giống như giáo viên ở trường công, tức là đứng bục giảng, ra bài kiểm tra và chấm bài; giáo viên trợ giảng kiểm soát lớp, nhắc nhở những học sinh chưa tập trung, kiểm tra khả năng nhận thức và hỗ trợ những học sinh chưa hiểu bài để theo kịp bài giảng của giáo viên chính, hỗ trợ kiểm tra bài tập về nhà và kèm cặp những học sinh yếu. Tuy nhiên, vẫn có những học sinh yếu hơn hẳn, cần có sự kèm cặp kỹ hơn, lúc này giáo viên thứ ba sẽ vào hỗ trợ, thậm chí tổ chức các buổi dạy thêm để học sinh theo kịp. Giáo viên chính không hề dạy kèm học sinh của mình, vậy đó có phải học thêm không, có cần cấm?
Trường công bình thường một giáo viên quản trên 50 học sinh thì dạy kiểu gì để các con đều tốt cả? Mà lương giáo viên dạy 50 học sinh trường công còn thua xa giáo viên thứ ba của trường quốc tế. Nếu bạn muốn con mình không phải học thêm thì cứ cho con vào trường quốc tế. Có điều, học phí như của cháu tôi là 3.000 USD một tháng. Thế nên không thể đòi hỏi trường công cũng phải được như trường quốc tế. Liệu bạn có đủ tài chính để cho con học trong những môi trường như vậy?
Tóm lại, nếu đã cấm dạy thêm thì phải cấm toàn bộ việc dạy các môn như tiếng Anh, thể thao, âm nhạc, vẽ, tin học... vì bản chất vẫn là học thêm và giáo viên đi dạy các môn đó cũng là dạy thêm kiếm tiền. Còn riêng việc xử lý giáo viên dạy thêm chính học sinh trên lớp của mình thì rất dễ vì chỉ cần ra quyết định thì chính phụ huynh sẽ là người giám sát và báo ngay những vi phạm. Tôi đến nay vẫn theo nghề dạy, vẫn dạy thêm, nhưng dám đảm bảo chưa bao giờ ép học sinh nào học thêm tôi cả và cũng hiếm khi dạy thêm học sinh mà mình đang quản lý trên lớp. Vậy có cần phải cấm?
Hiển
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.