"Vấn nạn gom hàng tích trữ hoặc trục lợi mùa dịch ở đâu cũng có. Nhưng nhiều quốc gia trên thể giới có thể giải quyết chỉ bằng một giải pháp khá đơn giản. Tôi đang ở Canada, siêu thị tại đây muốn bán các mặt hàng bình ổn giá, đồng thời tránh tình trạng thu gom, đầu cơ tích trữ... Do đó, khi niêm yết giá, họ chỉ cần làm như sau: giá bình ổn chỉ áp dụng cho tối đa số kg thực phẩm nhất định, ai mua nhiều hơn giá sẽ phải chịu tăng dần lên nhiều lần.
Do đó, bạn cứ việc mua thỏa thích theo ý muốn, nhưng sẽ phải chấp nhận trả thêm rất nhiều tiền. Từ đó, những người có ý muốn trục lợi sẽ không còn thấy lợi ích từ việc chênh lệch giá nữa và họ lập tức bỏ cuộc đầu cơ. Các siêu thị đâu cần lên án người mua (vì tất cả đối với siêu thị đều là khách hàng) nhưng vẫn dẹp được nạn gom hàng".
Đó là chia sẻ của độc giả Pnmvietnam trước tình trạng "Hàng siêu thị bị gom số lượng lớn để bán ra ngoài" đang diễn ra tại TP HCM những ngày giãn cách xã hội. Theo đó, Sở Công Thương khẳng định giá cả tại các kênh mua sắm hiện đại khá ổn định, không có hiện tượng nâng giá. Tuy nhiên, đã có trường hợp một số cá nhân vào những hệ thống cung ứng này để gom hàng với số lượng lớn bất thường.
Lấy dẫn chứng từ cách xử lý tình trạng mua gom hàng trục lợi tại Pháp, bạn đọc Nguyễn Hồng Nhung chia sẻ: "Tại Pháp, các siêu thị chia sẵn hàng vào các xe đẩy với số lượng hàng thiết yếu hợp lý. Họ đã tính toán và quy định một người chỉ được mua bao nhiêu mỗi món trong xe đẩy. Ai không cần món nào trong xe có thể để lại tại quầy tính tiền. Việc này vừa đảm bảo công bằng, an toàn mùa dịch, nhân viên trong siêu thị cũng an toàn hơn. Chúng ta cần hiểu rằng, nếu ai cũng cứ gom hàng kiểu như vậy, rồi những người già, người tàn tật, người yếu thế, vốn đã nghèo khó, không có sức khỏe, mà giờ phải mua toàn đồ đắt tiền vì khan hàng thì họ biết phải sống sao?".
Trong khi đó, nêu kinh nghiệm tại Trung Quốc, độc giả ThaoThao nhấn mạnh: "Các siêu thị nên chia hàng bán theo combo cả online lẫn trực tiếp để tránh tình trạng ùn tắc, chọn hàng nọ kia khiến người khác phải đợi lâu, tăng nguy cơ lây nhiễm, lại có thể giải toả được các đơn hàng online. Một combo có thể gồm các món thực phẩm cơ bản như rau, protein, một loại combo rau - quả dành cho người ăn chay... Sáng kiến này đã được Trung Quốc áp dụng hồi phong toả Vũ Hán. Bên cạnh đó, họ cũng nghiêm trị các hành vi đầu cơ trục lợi.
Tôi chỉ đưa ra giải pháp nhằm tránh ùn tắc hàng và tiếp xúc đông trong siêu thị. Khi hàng hoá được lưu thông nhanh thì cũng sẽ giảm áp lực tâm lý lo sợ tích trữ của người dân. Qua đó, nạn đầu cơ cũng sẽ bị dẹp bỏ. Đây chỉ là một trong rất nhiều sáng kiến khác trên thế giới mà ta có thể học hỏi".
>> 'Nhiều siêu thị không còn gì để mua'
Theo Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), tình trạng mua hàng số lượng lớn của một bộ phận người dân thời gian qua đã khiến một số mặt hàng thiếu hụt cục bộ, siêu thị không châm hàng kịp, dẫn đến việc một số người có nhu cầu thật sự không mua được hàng, nhất là trứng gà.
Gợi ý giải pháp ngăn tình trạng mua gom hàng tại TP HCM, bạn đọc Tran Thoi nêu quan điểm: "Tôi có phương án đề xuất như sau: Các hộ gia đình phải đăng ký mua hàng thông qua tổ dân phố bằng phần mềm, ứng dụng. Tổ dân phố sau đó sẽ đứng ra để làm trung gian kết nối với các điểm phân phối hàng hóa. Điều đó sẽ kiểm soát được hiện tượng gom hàng và tránh tụ tập đông người ở siêu thị. Sẽ có các xe trung chuyển đến tận từng hộ để phân phối những vật phẩm đã đăng ký. Thời buổi dịch bệnh nên chúng ta phải thay đổi tư duy, không nhất thiết phải tới trực tiếp siêu thị hay chợ để mua hàng cá nhân. Chuyện này tại Vũ Hán cũng đã áp dụng rồi".
Trong khi đó, độc giả 4th đề xuất: "Tôi cho rằng, TP HCM cần:
1. Quy định mỗi người dân đến cửa hàng, siêu thị chỉ mua một lượng hàng thiết yếu nhất định.
2. Mỗi người chỉ được mua hàng trong một khoảng thời gian nhất định (ví dụ 20 phút).
3. Người bán cần giữ bình ổn giá, không nâng khống giá khi khan hàng.
4. Nhân viên bán hàng phải được xét nghiệm Covid-19 định kỳ để đảm bảo an toàn.
5. Tất cả người dân phải tuân thủ 5K tuyệt đối".
>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.