"Tôi thấy, TP HCM nên tăng xây nhà cao tầng, giảm nhà nhỏ lẻ, để giảm mật độ dân cư, tạo nhiều không gian công cộng. Quan trọng nhất ở đây là tính toán mật độ dân cư sao cho hợp lý. Ví dụ, trong một diện tích có 100 căn nhà thấp tầng, nhỏ lẻ, nhếch nhác với 500 người ở. Bây giờ, cũng diện tích ấy nhưng chỉ 1-2 tòa nhà cao tầng là đủ cho số người đó ở.
Như vậy, thành phố sẽ dư ra rất nhiều không gian để dùng vào các mục đích khác nhau. Khi đó, đô thị sẽ trông đẹp và trật tự hơn rất nhiều. Tôi đi nhiều thành phố lớn trên thế giới, và thấy không ở đâu mà nhà nhỏ lẻ dày đặc và trùng trùng, lớp lớp như ở TP HCM hay Hà Nội.
Tôi không nói là các thành phố lớn trên thế giới hoàn toàn không có nhà mặt đất, số này chiếm khá ít. Ngoài ra, nhà của họ cũng được xây dựng có nề nếp, mật độ cũng vừa phải và khá đẹp. Còn lại, chủ yếu tôi thấy họ xây nhà cao tầng là nhiều.
Nhìn thực tế ở Hà Nội và TP HCM, thử xem nhà mặt đất của ta ken đặc, nhếch nhác, hẻm sâu, tù túng cỡ nào? Còn vấn đề một số khu vực nhà cao tầng ở ta quá dày đặc gây quá tải như một số bạn nói là do quy hoạch, tính toán mật độ dân cư và cấp phép xây dựng chưa hợp lý".
Đó là quan điểm của độc giả Hotrungtinhag khi TP HCM lúng túng "siết" xây chung cư, cao ốc vì chưa có quy định. Thành phố hiện có hơn 1.000 tòa nhà cao 25-100 m, tập trung ở các quận 1, 3, 5 khiến hạ tầng nơi đây bị quá tải. Thống kê đến cuối năm 2023, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị tại TP HCM chỉ đạt hơn 13%, kém khoảng 10% quy chuẩn. Mật độ đường giao thông đạt 2,34 km/km2, bằng 1/5 quy chuẩn. Những chỉ tiêu này thấp hơn một số thành phố tương đồng như Bangkok, Singapore...
Tuy nhiên, cho rằng nhà cao tầng không phải nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc giao thông, bạn đọc Lê Tùng phân tích: "Thành phố đông dân ở các nước phát triển người ta đều hạn chế hoặc không cho ở nhà mặt đất, thay vào đó, người dân đều sống trong chung cư. Như vậy mới có đất để xây đường to, công viên, mảng xanh, dễ quy hoạch... New York, London, Paris, Tokyo, Seoul, Thượng Hải, Singapore... và các thành phố lớn 5-10 triệu dân trên thế giới đều như vậy cả.
Thượng Hải ngày xưa cũng cho xây nhà mặt đất tràn lan như Hà Nội hay TP HCM bây giờ. Sau này, khi chủ trường đưa người dân lên chung cư thì họ mới có đất xây đường xá, mảng xanh, hiện đại và nề nếp như bây giờ. Thay vì hơn 2.000 căn nhà dưới mặt đất chiếm nhiều diện tích, rồi tạo các ngõ hẻm mất mỹ quan, thì đưa người dân lên ở chung cư sẽ ít tốn diện tích hơn nhiều".
>> 'Không thể đổ thừa nhà cao tầng gây kẹt xe'
Đại diện Sở Xây dựng (đơn vị xây dựng đề án) lý giải việc hạn chế các dự án cao tầng xuất phát từ hạ tầng đô thị, giao thông ở khu vực trung tâm đang quá tải, thường xảy ra ùn tắc, ô nhiễm và ngập nước. Trên thực tế, nhiều tuyến đường chỉ dài 2-3 km, rộng 8-10 m nhưng đang "gánh" đến vài chục cao ốc với hàng chục nghìn hộ dân nên hạ tầng đô thị, giao thông không theo kịp.
Đồng tình với quan điểm này, độc giả Phapcu ủng hộ "siết" cao ốc ở trung tâm Sài Gòn: "Nhà cao tầng có mật độ dân cư cao nhất, trong khi nhà nhỏ lẻ mặt đất có mật độ dân cư thấp hơn rất nhiều.
Để xây nhà cao tầng cần kết hợp giải tỏa mặt bằng làm đường rộng rãi, phải có phương tiện giao thông công cộng công suất cao như metro, mono rail... và còn phải làm hành lang ngầm thông nhau giữa các tòa nhà, cầu vượt hoặc hành lang ngầm băng qua đường... Hiện nay, chúng ta làm nhà cao tầng dẫn đến mật độ dân cư tăng cao nhưng đường không tăng, metro thì mãi chưa thấy, nhà cao tầng manh mún không liên kết hành lang thông nhau...
Còn không gian công cộng thì dĩ nhiên họ có tiêu chuẩn tỷ lệ diện tích đất đai cho đường giao thông, cây xanh, không gian công cộng... nhưng chỉ tiêu nào chúng ta cũng thiếu rất nhiều, chỉ đạt 10-30% tiêu chuẩn. Ví dụ, tỷ lệ đất trồng cây xanh công cộng tại TP HCM chỉ đạt 0,55 m2/người trong khi theo tiêu chuẩn là 15 m2/người (TCVN 9257:2012). Vậy thì sao có thể tăng thêm số lượng cao ốc được?".
Đó cũng là nhận định của bạn đọc Hoàng Thanh: "Tăng xây nhà cao tầng thì tăng mật độ dân cư chứ sao giảm được? Ví dụ, một chung cư mini xây trên diện tích 200 m2, 10 tầng, mỗi tầng ba hộ, mỗi hộ bốn người, tổng là 120 người. Trong khi đó, nhà mặt đất điện tích chỉ 50 m2 với 200 m2 chỉ có bốn hộ, tổng có 16 người thôi, ít hơn tới bảy lần về mật độ sân cư. Đó là tôi tính chung cư nhỏ, chứ mấy chung cư lớn toàn 20-30 thậm chí có cái 40 tầng thì mật độ còn cao khủng kiếp thế nào?
Các bạn cứ ra khu Tân Cảng giờ cao điểm mà xem thì biết. Diện tích không gian công cộng nhiều không giải quyết được bài toán giao thông. Bởi đó là hai câu chuyện khác nhau, cần giải pháp khác nhau.
Thực tế, làm sao có đủ tiền để mua lại 100 căn nhà mặt đất để xây một cái chung cư cao tầng cho 500 người ở? Tiền bán chung cư chắc chắn là không đủ, đó là tôi giả sử 100% người dân đều đồng ý chuyển lên chung cư. Ngoài ra tiền để làm các khu tiện ích công cộng lấy ở đâu? Ngân sách nhà nước ư? Đó là một điều bất khả thi".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- 21.000 tỷ đồng mở rộng đường Láng có xứng đáng?
- Năm bước giải bài toán tắc đường cho người Việt
- Đổ lỗi xe máy là nguyên nhân gây tắc đường
- 'Cấm xe máy, hạn chế ôtô để không còn khổ vì tắc đường'
- 'Chỉ thu phí ôtô sẽ không thể hết tắc đường'
- Vòng luẩn quẩn 'thu phí ôtô không giảm tắc đường'