Trước kia, tôi làm việc ở một công ty nọ. Làm cả năm không có ngày nghỉ, tôi chỉ có đúng 12 ngày phép theo quy định của Luật Lao động. Thê nên, mọi người ở công ty tranh thủ tận dụng tối đã số ngày nghỉ phép này để nghỉ ngơi và lấy lại sức.
Thế nhưng, mỗi lần nghỉ như vậy, chúng tôi vẫn bị quản lý trực tiếp xét nét, hỏi vặn: "Nghỉ để làm gì?". Có đồng nghiệp của tôi báo lý do nghỉ "để đi ăn đám cưới người thân", vậy mà sếp vẫn bắt mang thiệp cưới đến để kiểm tra xem có đúng ngày, giờ xin nghỉ không?
Lại có một anh đồng nghiệp khác xin nghỉ phép vì lý do cá nhân cũng bị quản lý xét hỏi cho ra nhẽ xem nghỉ để làm gì? Đến khi chính người sếp đó nghỉ phép có việc, phải đổi ca với người khác thì lại không báo cáo gì với quản lý cấp cao hơn. Điều này khiến quản lý cấp cao hơn đó tức tối, phải họp riêng để khiển trách sau khi người kia đi làm lại.
>> '10 năm đi làm không dám nghỉ phép một ngày nào'
Ai cũng có những chuyện riêng tư không tiện nói ra, đôi khi người ta chỉ muốn có một ngày nghỉ xả hơi sau một thời gian dài làm việc căng thẳng, hoặc dẫn con cái đi đâu đó chơi sau nhiều ngày đi làm không có thời gian nghỉ. Lẽ ra các quản lý nên thông cảm và hỗ trợ nhân viên mới phải. Vậy nhưng nhiều sếp vẫn làm khó, bắt phải giải trình, giải thích cặn kẽ.
Lâu dần, nhân viên bị áp lực, sợ bị trách móc nên viện ra rất nhiều lý do quanh co để giải thích cho việc nghỉ phép. Với những bạn trẻ, còn nhu cầu đi chơi, hẹn hò các kiểu, cảm thấy quá thấy gò bó với kiểu quản lý nhân viên thế này nên chỉ một năm là nghỉ việc, nhảy việc.
Thiết nghĩ, mỗi người đều có đời sống cá nhân riêng, chẳng có lý do gì để bắt họ phải giải trình chi tiết khi xin nghỉ phép để làm gì. Việc nhận lại những lời giải thích quanh co, dối trá liệu có giá trị gì? Việc nghỉ phép phải báo cáo cấp trên để sắp xếp công việc, nhân sự là đúng, nhưng ở phía ngược lại, các quản lý cũng nên tôn trọng ngày phép của nhân viên và tôn trọng chuyện riêng tư cá nhân của họ.
Đó là chia sẻ của độc giả Linh Trần xung quanh câu chuyện "Dân công sở 'sợ' nghỉ phép". Sợ bị ảnh hưởng lương thưởng và thăng tiến, sợ bị sếp tra hỏi, làm khó, nên nhiều người chỉ dám nghỉ khi buộc phải đi viện. Đó là thực tế diễn ra ở nhiều cơ quan, tổ chức hiện nay.
Bạn có gặp phải tính huống khó xử khi xin nghỉ phép nhưng bị sếp xét nét?
- Ngày nghỉ là điều xa xỉ với nhiều lao động Việt
- 'Người Việt có quá ít kỳ nghỉ lễ dài ngày'
- 'Người Việt cần thêm ngày nghỉ'
- '22 ngày nghỉ lễ, Tết trong năm 2022 vẫn còn ít'
- Thêm 3 ngày nghỉ - doanh nghiệp 'chỉ có lãi'
- Có nên tăng thêm 3 ngày nghỉ trong năm?