Xung quanh phát biểu 'Làm nhiều, nghỉ ít là bất công' của đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, độc giả Trần Thiên Thành Thuong bày tỏ sự ủng hộ và cho rằng đây là kiến nghị tốt, công bằng cho người lao động:
Tôi là người quản lý nhân sự cho một công ty nước ngoài (cụ thể là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài). Tôi rất đồng tình và ủng hộ kiến nghị của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Các chủ doanh nghiệp hãy đặt mình vào chính bản thân người lao động sẽ hiểu được hoàn cảnh của họ, đừng cứ lấy cớ này nọ để từ bỏ kiến nghị tốt.
Giả sử chèn ép người lao động quá người ta nảy sinh ý xấu làm hư hỏng trong quá trình sản xuất thì ai là người thiệt? Còn nếu biết quan tâm đến quyền lợi của người lao động thì ngược lại sẽ được người lao động xem công ty là nhà của mình, họ sẽ gắng hết sức làm đạt năng suất cao và hiệu quả tốt, đưa công ty cùng phát triển.
Doanh nghiệp bình thường trừ hết mọi chi phí, lợi nhuận bỏ túi công ty. Giả sử lời 100 nghìn đồng/ tháng, giờ tăng ngày nghỉ và giảm giờ làm khiến thời gian đầu công ty chỉ lời 80-90 nghìn/ tháng, thậm chí chỉ còn 60-70 nghìn/ tháng (vì chưa thực hiện tốt nghiệp vụ quản trị và thương lượng ký hợp đồng đơn hàng). Tuy nhiên, càng về sau, tiền lời sẽ tăng lên, ít nhất cũng từ 120 nghìn/ tháng trở lên tuỳ vào doanh nghiệp thực hiện cải cách quản trị doanh nghiệp và thương lượng giá tốt có hợp đồng tốt (phụ thuộc vào người kinh doanh giỏi). Điều đó buộc doanh nghiệp phải biết cải tổ, chứ không phải cứ theo khuôn khổ cũ mà không biết phát huy cái mới.
Tuy là quản lý nhưng chúng ta phải đặt mình vào hoàn cảnh của người lao động sẽ rõ mọi thứ. Các ông/ bà chủ doanh nghiệp có mấy ai biết được cái khổ của người lao động hoặc có thể biết nhưng vẫn lo cho lợi ích bản thân mình hơn, kéo theo cả xã hội đi xuống.
Đồng quan điểm trên, độc giả Mawsonlake nhận định đề xuất tăng ngày nghỉ cho người lao động là cơ sở để phát triển bền vững:
Việc tăng thêm ngày nghỉ cho người lao động là cần thiết, nhân văn, hợp tình, hợp lý, công bằng, phù hợp với luật pháp, và là bước tiến của đất nước chúng ta trong công cuộc phát triển, hòa đồng và hội nhập với thế giới.
Đúng là xu thế hiện nay không nên chỉ lấy lợi thế cạnh tranh là nhân công giá rẻ. Để giảm chi phí thì doanh nghiệp phải cải tiến tổ chức, quản trị, tăng công nghệ hiện đại, áp dụng kỹ thuật tiên tiến, bố trí lao động hợp lý, tiết giảm chi phí quản lý.
Tăng thời gian nghỉ là cách thu hút, giữ chân lao động để giảm chi phí, coi người lao động là tài sản quý giá nhất, làm cho người lao động gắn bó với doanh nghiệp, đó mới là phát triển bền vững.
Thành Lê tổng hợp
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.