Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa đề xuất Chính phủ phương án nghỉ lễ, Tết năm 2022. Theo đó, công chức, lao động sẽ có 22 ngày nghỉ lễ Tết trong năm 2022. Trong đó, dịp Tết dương lịch nghỉ liên tiếp ba ngày; dịp Tết Nhâm Dần nghỉ kéo dài chín ngày, gồm năm ngày chính thức và bốn ngày cuối tuần; kỳ nghỉ Quốc khánh dự kiến kéo dài bốn ngày; dịp Giỗ tổ nghỉ liên tiếp ba ngày; dịp 30/4 - 1/5 nghỉ liên tiếp bốn ngày.
Thoạt nghe, số ngày nghỉ lễ trong năm 2022 của người lao động Việt Nam lên tới 22 ngày có vẻ là nhiều, nhưng thực ra trong đó đã bao gồm cả ngày nghỉ bù cuối tuần nên thực ra chỉ có 11 ngày chính thức. Như vậy, nếu cộng cả số ngày nghỉ phép theo quy định trong năm (12 ngày), người lao động Việt Nam có thể được nghỉ tối đa 34 ngày. Con số này rõ ràng vẫn còn quá khiêm tốn khi so sánh với các nước trên thế giới.
Tại Australia, người lao động có thể được nghỉ tối thiểu là 30 ngày mỗi năm, gần tương đương với mức tối đa của Việt Nam. Trong khi đó, người lao động Pháp có thể được nghỉ phép tới 9,5 tuần, ngoài ra còn có 11 ngày nghỉ lễ chính thức. Tại Đức, số ngày nghỉ phép trong năm của nhân viên công vụ tối thiểu là 30 ngày, cộng thêm 24 ngày nghỉ lễ chính thức. Còn người lao động Hungary được nghỉ trung bình tối thiểu 20 ngày một năm, cộng thêm 13 ngày nghỉ lễ chính thức.
Tóm lại, đối với các quốc gia châu Âu, nơi được xem là "thiên đường" lao động, người lao động có thể được hưởng mức nghỉ phép tối thiểu là 30 đến 40 ngày để tái tạo sức lao động, vượt xa như con số 22 ngày của Việt Nam.
>> 'Nghỉ Tết 9 ngày quá dài và lãng phí'
Trong khi đó, với một số quốc gia châu Á ngay sát với Việt Nam thì sao? Tại Trung Quốc, người lao động được nghỉ phép 5-15 ngày tùy theo thâm niên, cộng thêm 11 ngày lễ chính thức trong năm. Tại Đông Nam Á, Campuchia có tổng số ngày nghỉ tối thiểu là 45 ngày, Malaysia là 30 ngày, vẫn nhỉnh hơn số ngày nghỉ của người lao động Việt Nam.
Có thể thấy, số ngày nghỉ lễ, tết của Việt Nam ở mức trung bình thấp so với các quốc gia trên thế giới và khu vực. Ngược lại, số giờ làm việc của người lao động Việt Nam lại nằm trong nhóm cao. Thực tế này ảnh hưởng trực tiếp đế năng suất lao động cũng như quyền lợi của người lao động Việt. Xa hơn, nó cũng khiến nền kinh tế Việt Nam chậm bứt phá. Do đó, có lẽ chúng ta cũng cần cân nhắc tăng thêm số ngày nghỉ cho người lao động để từng bước tiệm cận với khu vực và thế giới.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.