"Mất việc tuổi 45, tôi phải xin đi phục vụ quán cà phê", theo tôi, là chuyện rất bình thường. Kể cả đang làm văn phòng mà mất việc, phải ra chạy xe ôm kiếm sống cũng không phải điều gì quá khó hiểu. Vì vậy, lúc còn công việc tốt thì mỗi người phải tự rèn luyện bản thân, nâng cấp tay nghề, trình độ, kiến thức để không bị đảo thải sớm.
Ngay cả những cơ quan nhà nước hiện nay, các vị trí văn phòng cũng đều bắt buộc phải chuẩn hóa lên đại học, ngoại ngữ chuẩn B1, tin học chuẩn B... Bạn không tự học để bổ sung bằng cấp, kỹ năng cho đầy đủ, thì việc giảm biên chế là chuyên đương nhiên. Mỗi năm, các bạn chuyên viên còn phải đi học bổ sung kiến thức tối thiểu 48 giờ (tương đương sáu ngày) nên bạn không thể ngồi yêu mà đòi giữ được công việc.
Đối với những công ty tư nhân, lợi nhuận luôn phải đặt lên hàng đầu. Bạn nhận lương cao (nhờ thâm niên) thì cũng vẫn phải làm khối lượng công việc tương xứng với những gì họ trả thôi. Doanh nghiệp không chê người già, họ chỉ chê người lười, người làm việc không hiệu quả mà thôi.
Khi bạn ứng tuyển vào một công việc mới, nhà tuyển dụng sẽ xem CV của bạn, tìm hiểu lý do vì sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ, trong thời gian làm việc bạn có sai sót gì không, vị trí ở chỗ cũ của bạn là gì, có thành tích nổi bật không...? Và nếu bạn mãi không xin nổi việc thì hãy xem lại những lý do trên xem mình còn thiếu ở chỗ nào chứ đừng chỉ vội nói doanh nghiệp chê vì bạn nhiều tuổi.
Bản thân tôi, 10 năm đầu khi đi làm, cả năm còn không dám nghỉ phép, dù chỉ một ngày. Vũng Tàu cách TP HCM 120 km mà tôi còn không dám nghỉ việc để đi chơi. Nhóm bạn của tôi cũng thế. Khi có vị trí tương đối trong công ty, có chút ít thành công trong ngành, tôi mới dám đi đây đi đó. Hãy nhớ: "No pain, no gain" (không đau đớn, không có thành tựu).
>> 8X không xin nổi việc dù lương mong muốn chỉ hơn Gen Z 5 triệu đồng
Bạn tôi vẫn có những người ngoài 50 nghỉ việc mà vẫn tìm được công việc mới ngay lập tức. Nếu bạn có lịch sử làm việc tốt, thì việc tìm việc mới là không khó. Còn đương nhiên, nếu bạn không tìm được việc vì lý do nào đó thì chuyện ra đường chạy xe ôm hay đi làm việc chân tay cũng là bình thường.
Không phải công việc nào cũng cần người trẻ, đối với những vị trí cần kinh nghiệm thì người ta sẽ lựa chọn khác. Tùy phong thái, cách ứng xử của bạn khi phỏng vấn, tùy danh tiếng của bạn trong lĩnh vực làm việc mà kết quả của mỗi người sẽ khác nhau. Đôi khi giữa các tập đoàn vẫn có việc đổi chỗ lẫn nhau để tìm nhân tố mới, hướng đi mới nữa.
Những người kinh nghiệm lâu năm, ngoài kỹ năng làm việc, họ còn mối quan hệ nữa. Nên doanh nghiệp họ cần người được việc, hiệu quả công việc, chứ không hẳn là chuyện tuổi tác.
Hiện nay đang là giai đoạn khó khăn, các doanh nghiệp đang thu hẹp sản xuất, nên việc giảm biên chế, sa thải nhân viên cũng là điều dễ hiểu. Nhưng trong khó khăn cũng có cơ hội, nếu những năm trước bạn chọn rèn luyện, phát triển thay vì hưởng thụ, thì hiện nay sẽ có cơ hội cao hơn khi đi xin việc làm.
Tất nhiên, tôi không bảo chuyện tìm việc ở tuổi này là dễ. Tuy nhiên, lúc bạn còn đang tuổi trẻ, với sức khỏe và thời gian nhiều thì nên tận dụng nó để phát triển bản thân, từ kỹ năng công việc, kinh nghiệm, mối quan hệ, thành tích... Trong thời gian 20 năm làm việc ban đầu đó, bạn nên tận dụng để tạo các mối quan hệ, kinh nghiệm và nâng cao năng lực. Có như vậy, khi bước vào tuổi trung niên, bạn sẽ không bị lo đào thải hay không tìm được việc mới.
- Xin việc tuổi 34 nhưng không nơi nào chịu nhận
- 'Gen Z bị chê non, 8X bị chê già'
- 'Tuổi 40 xin việc vì bị chê già'
- 'Trung niên nên tích lũy thay vì cố cạnh tranh với người trẻ'
- Tuổi trẻ ổn định, trung niên dễ bấp bênh
- Tuổi trẻ hưởng thụ, trung niên thất nghiệp