Bệnh nhân Nguyễn Thị Nhã Hương (21 tuổi, TP HCM) cho biết cách đây khoảng hai năm, trong lúc đi cắm trại cùng bạn bè ở bãi cỏ ẩm ướt ven sông, chị bị côn trùng cắn vào chân. Ngay sau đó, hai chân chị nổi sẩn, ngứa ngáy, cơn ngứa dữ dội nhất vào buổi tối.
"Thời điểm đó, tôi không đi khám da liễu vì dịch Covid-19 phức tạp. Tôi nghĩ đơn giản côn trùng cắn vài bữa sẽ hết. Lúc nhỏ, tôi bị côn trùng cắn ở chân gây ngứa, nổi mẩn nhưng cũng không sao", chị Hương nhớ lại.
Tuy nhiên, lần này tần suất cơn ngứa của chị xuất hiện mỗi ngày nhiều hơn. Do gãi nhiều, vết thương của chị bị xước, nhiễm trùng rỉ mủ, đóng vảy thành sẹo lồi. Để che đôi chân đầy sẹo cùng mảng da thâm sạm khi đi làm, ra ngoài đường, chị luôn mặc đồ dài tới gót chân.
Qua thăm khám, tiến sĩ bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, chuyên khoa Da liễu, Bệnh viện Tâm Anh TP HCM nhận thấy người bệnh bị sẹo chi chít lan từ bắp đùi xuống mắt cá chân. Vết sẹo cũ vừa lành, sẹo mới đã xuất hiện, cứng, dày, thâm sạm hơn. Việc chà xát vết thương khiến da trầy xước, dẫn đến nhiễm trùng.
Kết quả chẩn đoán cho thấy, chị Hương bị sẩn ngứa dạng cục, nhiễm trùng da chân, nổi sẩn cục đã đóng vảy, sừng cứng, dày, kích thước từ 1 đến 2cm. Người bệnh được điều trị nhiễm trùng kết hợp với thuốc trị sẩn ngứa, kháng viêm, giảm ngứa. Hiện, chân chị Hương đã hết nhiễm trùng, bớt ngứa, các sẩn cục nhỏ mềm và mờ dần. Những sẩn cục to do mô da bị xơ cứng phải áp lạnh bằng khí nitơ lỏng để làm mềm mô, sau đó tiếp tục bôi thuốc.
Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích cho biết, sẩn ngứa là dạng bệnh về da thường gặp do phản ứng viêm xuất tiết ở vùng trung bì nông, thâm nhiễm của tế bào lympho và bạch cầu đa nhân trung tính. Tùy vào cơ địa của mỗi người sẽ có triệu chứng khác nhau, ví dụ trường hợp của chị Hương do cơ thể phản ứng mạnh gây ngứa nhiều, xuất hiện sẩn cục, bệnh nhân gãi nhiều làm trầy xước da và để lại sẹo lồi.
Trong khi đó, một số người cũng bị sẩn ngứa nhưng không nổi sẩn cục, không để lại sẹo và tần suất ngứa không kéo dài.
Nguyên nhân gây bệnh sẩn ngứa bao gồm: cơ thể bị kích thích với vết côn trùng đốt, ánh sáng, dị ứng thức ăn, hóa chất... dẫn đến giải phóng histamin.
Người làm việc trong môi trường nóng, hanh khô, ăn đồ cay nóng cũng có thể gây sẩn ngứa.
Ngoài ra, sẩn ngứa cũng là biểu hiệu của viêm da cơ địa, hoặc sẩn ngứa đi kèm theo một số bệnh như: bệnh đái tháo đường, bệnh tuyến giáp, viêm gan, xơ gan, tắc mật, suy thận mạn, thiếu máu, thiếu sắt...
Bệnh sẩn ngứa có 3 thể: thể cấp tính, bán cấp, mạn tính. Tùy vào tiến triển cũng như cơ địa, mỗi người sẽ có những biểu hiện khác nhau. Ở thể cấp tính: tổn thương chủ yếu là sẩn phù, xuất hiện mụn nước.
Thể bán cấp có biểu hiện như: ngứa, sẩn nổi cao, ở trên có mụn nước, vết xước hoặc vảy tiết. Trong khi đó, thể mạn tính có nhiều triệu chứng hơn, hay tái phát sẩn cục gây tổn thương da, tiến triển dai dẳng, có thể kéo dài hàng năm. Người bệnh ngứa nhiều, chà xát khiến sẩn cục hình thành vết trợt, dày, thâm, có thể bị nhiễm vi khuẩn.
Bác sĩ khuyến cáo khi bị sẩn ngứa, người bệnh không nên gãi nhiều làm xây xước da, nên đến chuyên khoa da liễu để thăm khám điều trị sớm. Người gặp tình trạng này tuyệt đối không sử dụng các phương thuốc truyền miệng dân gian vì có thể làm da phản ứng mạnh hơn.
Đinh Tiên
* Tên nhân vật trong bài đã thay đổi.