Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Kim Dung, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, giải thích sẹo lồi hình thành sau khi vết thương trên da lành lặn, nhưng do các mô sợi tăng sinh quá mức tạo thành khối cứng, căng bóng, các mô bị thừa, lồi lên trên da.
Sẹo lồi thường xuất hiện khoảng từ 3-12 tháng sau chấn thương, với dạng những cục da bóng, không có lông. Lúc đầu có màu đỏ, hồng hoặc tím, sau chuyển sang màu sẫm hơn với phần viền đậm.
Tình trạng này thường gặp ở mọi lứa tuổi, xuất hiện mọi vị trí trên cơ thể nhưng thường tập trung ở vai, dái tai, ngực, má, mông... Sẹo trên dái tai thường tròn và chắc, cảm giác phẳng hơn khi nằm ở các bộ phận khác và hơi di chuyển khi chạm vào đối với các vùng da ở cổ, bụng, tai...
Nguyên nhân
Sẹo lồi thường hình thành do các nguyên nhân phổ biến như: xỏ lỗ tai; nổi mụn trứng cá hoặc thủy đậu; vết thương do bỏng, cắt, cạo râu, động vật cắn, phẫu thuật, thủ thuật, tiêm...
Sẹo lồi không phải bệnh lây nhiễm, cũng không phải ung thư. Nếu người bệnh từng có một vết sẹo lồi thì khả năng sẽ có thêm những vết sẹo lồi khác. Sẹo lồi không mờ dần theo thời gian, để giảm sự xuất hiện của sẹo lồi, người bệnh nên đến bác sĩ da liễu để khám và điều trị sớm.
Nguy cơ xuất hiện sẹo lồi sẽ gia tăng do các yếu tố melanin, gen (yếu tố di truyền), độ tuổi (phổ biến từ 10-30 tuổi) và ảnh hưởng bởi sự thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ.
Chẩn đoán và điều trị
Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ tiến hành quan sát, sờ vết sẹo, đồng thời thực hiện sinh thiết da để loại trừ ung thư da trong trường hợp sẹo quá phát. Tùy từng tình trạng da của bệnh nhân, sẽ có hướng điều trị phù hợp.
Theo bác sĩ Kim Dung, sẹo lồi là khối u lành tính, tuy nhiên khó chữa dứt điểm, thường phát triển trở lại ngay cả sau khi được phẫu thuật cắt bỏ. Nếu đã từng có sẹo lồi, người bệnh nên cẩn thận khi có vết thương ở da và cần tham vấn bác sĩ trước khi phẫu thuật.
Đối với sẹo lồi mới, phương pháp điều trị có thể là đeo băng ép từ vải co giãn từ 12-24 giờ mỗi ngày trong khoảng 4-6 tháng, bôi kem corticosteroid để giảm ngứa, áp lạnh bằng nitơ lỏng. Các sẹo lớn hoặc lâu ngày có thể sử dụng laser hoặc kết hợp tiêm cortisone, dùng bức xạ mức độ thấp giúp thu nhỏ hoặc giảm mô sợi tạo sẹo. Nếu các phương pháp trên không có kết quả, bác sĩ sẽ loại bỏ chúng bằng cách phẫu thuật kết hợp với các phương pháp khác.
Để ngăn ngừa hình thành sẹo lồi, người bệnh cần cẩn trọng tránh để bị thương, đặc biệt với cơ địa dễ bị sẹo hoặc có người thân trong gia đình đã gặp phải tình trạng này. Cụ thể, không nên tự ý xỏ lỗ tai, xỏ khuyên, xăm mình, thủ thuật thẩm mỹ mà không có sự tư vấn của bác sĩ. Ngoài ra, cần chăm sóc mọi vết thương ngay lập tức nhằm giúp da nhanh lành, giảm nguy cơ để lại sẹo.
Nguyễn Vân