"Đọc bài viết 'Nhiều tài xế thích thị uy sức mạnh qua tiếng còi' tôi chợt giật mình ngẫm nghĩ về tiếng còi xe. Không biết đã bao lâu rồi tôi chưa nghe thấy tiếng còi xe tại Đức, dù nhà tôi ở ngay sát đường ra vào trung tâm thành phố? Mỗi ngày, lượng xe qua lại chỗ tôi rất đông nhưng tôi tuyệt nhiên không nghe thấy xe nào bóp còi cả.
Đi trên đường trong thành phố người ta cũng giữ thói quen yên lặng như vậy. Duy chỉ thỉnh thoảng có tiếng còi xe cứu thương hoặc cứu hỏa xin đường ưu tiên mà thôi. Tôi nhớ lần gần nhất nghe thấy tiếng còi xe trên đường là cách đây 5-6 năm gì đó. Khi đó, tiếng còi khiến cả phố cùng ngoái lại nhìn tài xế như thể chuyện lạ.
Thực ra, tài xế bấm còi chỉ để đuổi một con mèo ra giữa đường ngồi liếm lông, gây cản trở giao thông. Thấy hàng dài xe phía sau phải đứng cả lại, không thể di chuyển tiếp nên tài xế buộc phải dùng còi để dẹp đường. Sau khi con vật chạy khỏi đường, cả đoàn xe lại yên lặng di chuyển tiếp. Tuy nhiên, khi về Việt Nam thăm gia đình ở Sài Gòn, tôi ngỡ ngàng khi người ta bấm còi mọi lúc, mọi nơi".
Đó là chia sẻ của độc giả Nguoixala về thói quen bấm còi của tài xế Việt. Không quá khi nói rằng bấm còi như quyền lực vạn năng khi lái xe ở ta. Khi dừng chờ đèn đỏ, nếu bạn chậm di chuyển khi đèn chuyển xanh (thậm chí còn vài giây đèn đỏ) là lập tức bị xe phía sau bấm còi hối thúc. Tại Việt Nam, nhiều người sử dụng còi vô tội vạ, không cần biết đúng sai. Xin đường - bấm, bực mình xe khác chắn lối - bấm, đèn đỏ còn năm giây mà xe trước chưa đi - bấm, cảm thấy sắp có va quệt - bấm (dù có thể xử lý bằng cách đơn giản là đi chậm lại)...
>> 'Ôtô đi thẳng hàng để xe máy bớt khổ'
Đồng cảm với tâm trạng bức xúc vì tài xế Việt bấm còi xe vô tội vạ, bạn đọc Khanhhoatrinh bình luận: "Lái xe hơn 40 năm ở Mỹ, tôi chỉ nghe thấy tiếng còi xe chừng chục lần. Đó là những tiếng còi nhắc nhở xe phía trước 'di chuyển vì đèn đã bật xanh từ lâu' lúc tài xế phía trước không tập trung lái xe. Hoặc có thể là những tiếng còi cảnh báo cho xe đang muốn chuyển làn để vượt rằng có xe đang di chuyển bên hông, không an toàn. Còn ở Việt Nam chỉ hơn 5 năm nay, mỗi ngày tôi đều phải nghe tiếng còi xe cả trăm lần với đủ kiểu hối thúc, dằn mặt...".
Trong khi đó, lý giải cho thói quen bấm còi khi lái xe ở Việt Nam, độc giả Minh Do cho rằng: "Nước ngoài người ta không bấm còi vì ai cũng chạy đúng luật. Còn ở nước ta, các bạn cứ thử không bấm còi xem còn được ngồi trên xe để chạy một cách bình thường không? Bởi một là bạn có thể tông phải xe máy từ trong hẻm lao ra bất chấp, hai là đèn xanh cho đi thẳng nhưng xe máy vô tư cắt mặt để rẽ ngang; ba là làn dành cho ôtô nhưng xe máy chạy cà tàng trước mặt, xem như chỉ có một mình trong khi trước mặt trống trải; chưa nói là nhiều người vừa chạy xe vừa nói chuyện hay bấm điện thoại... Tôi chỉ ghét người bấm còi liên tục khi đường kẹt cứng hay dùng còi độ với âm thanh quá lớn".
Đồng quan điểm, bạn đọc Jose Jien lập luận: "Để lái được ôtô, tài xế phải học và thi lấy bằng rất vất vả, nên thiết nghĩ ít nhiều họ cũng nắm luật tốt hơn mấy người chạy xe máy. Ở nước khác tôi không biết, chứ tại Việt Nam, ai chạy xe mà không bấm còi thì quả là thiên tài.
Tôi nhiều lần đi ngoài đường, đang chạy ngon lành thì tự nhiên xe phía trước phanh gấp, đánh lái quay đầu để rẽ vào mua bánh mì bên đường, hay có người tự nhiên dừng xe đột ngột để nghe điện thoại giữa đường... Những lúc như thế tôi có không muốn bấm còi cũng không được. Trường hợp đau khổ nhất mà tôi không muốn bấm còi cũng buộc phải làm là làn ôtô đang chạy 60 km/h mà các tài xế cứ lách ra lách vào, hoặc 'rùa bò' 20 km/h trước đầu xe, rất khó chịu".
- Xe rùa bò trên Quốc lộ như 'chim mồi' bẫy vi phạm giao thông
- Bị phạt vì đi xe máy lên vỉa hè nhưng đổ lỗi tại ôtô
- Nỗi lo bị phạt lái xe quá giờ khi cao tốc không có trạm dừng nghỉ
- Hành trình 10 ngày đóng tiền phạt nguội vi phạm giao thông
- Vất vả hơn khi qua giao lộ để tránh bị phạt
- 'Rùa bò' qua ngã tư bỏ đếm giây đèn giao thông