(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Mỗi khi nói về môn Văn, ngoài cách giảng dạy và học tập, còn có một nỗi buồn về vị thế của môn Văn trong trường học.
Thời cấp ba, thầy giáo dạy Văn cũng là chồng của cô giáo Vật lý lớp tôi. Nhiều lần học thêm ở nhà của họ, bằng sự nhạy cảm của của một người học trò mơ mộng chữ nghĩa văn chương, tôi cảm giác được vị thế của thầy giáo dạy Văn có phần lép vế so với vợ. Bởi lẽ xét theo giá trị kinh tế mang về cho gia đình thì cô giáo dạy Lý làm ra nhiều tiền hơn. Môn Lý có thể dạy thêm được, còn môn Văn thì không.
Tôi nghĩ ở những thành phố lớn, giáo viên dạy Văn có lẽ sẽ bớt thiệt thòi hơn những đồng nghiệp ở quê vì học sinh thành phố có điều kiện đi học thêm môn này. Còn ở những vùng quê, chi phí cho học thêm ở mỗi gia đình là không nhiều, dĩ nhiên môn Văn không nằm trong lựa chọn của học sinh khi được đi học thêm.
>> 'Thuý Kiều phải yếu đuối, Trạng Quỳnh luôn khôn ngoan'
Nói rộng ra, ở Việt Nam những môn học mang tính chất xã hội có phần lép vế so với những môn tự nhiên. Có một thời người ta xuất khẩu thành một câu tục ngữ: Nhất Y nhì Dược, tạm được Bách khoa. Y dược và Bách khoa là những trường tuyển sinh bằng các môn tự nhiên, vì thế cứ dùi mài Toán, Lý, Hoá, Sinh chứ ai lại bỏ công học hành Văn Sử Địa làm gì?
Thời kỳ đất nước đổi mới, cũng là lúc các khối ngành kinh tế, kỹ thuận nhen nhóm trỗi dậy. Nhân lực những ngành này là cần kíp, học cho giỏi thì ắt sẽ kiếm được việc tốt lương cao. Lúc này thì bàn cân đã nghiêng hẳn về các môn tự nhiên. Ai đời lại đâm đầu vào học những môn khối C, vốn chỉ cần học thuộc lòng là làm được bài?
Tôi cho rằng học giỏi Văn là một nghiệp. Người xưa đã nhận ra và dặn con cháu rằng: Lập thân tối hạ thị văn chương. Có nghĩa là lập thân thì né nghề văn chương chữ nghĩa ra, bởi không thể kiếm nhiều tiền từ nó được. Bạn tôi là một cây viết tốt, ròng rã viết rồi xuất bản sách...chỉ đem đi tặng và PR. Tiền bán sách chả được là bao. Có lẽ ở Việt Nam, chỉ có Nguyễn Ngọc Tư và Nguyễn Nhật Ánh là thành danh và sống được bằng nghề viết...
Kể lể dông dài để thấy, thật ra môn Văn không có lỗi. Nếu có lỗi thì lỗi duy nhất là rất khó kiếm được một nghề có thể sống được bằng văn chương. Học sinh thì có tâm lý học các môn tự nhiên. Giáo viên văn buồn buồn tủi tủi, cứ dạy và giảng những điều đã có trong sách giáo khoa.
>> 'Chí Phèo ăn vạ, chị Dậu vùng lên' có còn phù hợp?
Một lý do khác khiến môn văn nhàm chán trong trường học là nằm ở giáo viên. Có một điều chắc chắn rằng trình độ của một nền giáo dục không thể vượt qua trình độ đội ngũ giáo viên của nền giáo dục đó. Di chứng của những năm tháng "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm" đã khiến cho chúng ta có một hoặc nhiều thế hệ giáo viên không giỏi.
Và tôi dám cá rằng nhiều giáo Viên văn của ta rất ít đọc sách. Khác với môn Toán logic, để cảm thụ được môn Văn cần có sự nhạy cảm nhất định từ phía người học và người dạy. Đặc biệt, người dạy có vai trò rất quan trọng. Một giáo viên đọc nhiều sách, sẽ có kiến văn và cách truyền đạt, bình giảng khác hẳn với một giáo viên ít đọc sách. Chính việc dạy nhàm chán, giáo điều, khiến học sinh càng ớn môn Văn hơn.
Vậy nên muốn môn Văn hấp dẫn, điều cần làm đầu tiên là nâng cao trình độ giáo viên. Thứ hai, thay đổi và bổ sung những tác phẩm văn học mới vào sách giáo khoa. Thứ ba, xã hội phải nhìn nhận lại giá trị mà ngành xã hội- nhân văn mang lại.
Những nghề nghiệp tốt, kiếm được nhiều tiền từ những môn khối C phải xuất hiện, thì mới mong tìm lại được sự hấp dẫn vốn có của môn Văn.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Thiên Đăng