Thời tiểu học và trung học cơ sở, bài văn của tôi thỉnh thoảng "ăn may" được cô đọc trên lớp cho bạn bè nghe. Nói là ăn may vì lẽ những bài đó không phải do chính tôi viết ra từ gan ruột, từ suy nghĩ của mình.
Thuở đó, bất cứ đề văn gì từ miêu tả loài hoa yêu thích, miêu tả con chó trong nhà, con bò ngoài đồng, tôi đều lôi sách Văn mẫu ra xem, rồi góp nhặt lại những câu văn mà tôi thích thành một bài văn của tôi. Cô giáo tôi thừa biết các câu Văn ấy là không phải là của tôi, nên trong lời phê, cô hay ghi là "sưu tầm nhiều ý hay".
Đó là chuyện làm bài, còn chuyện học trong lớp cũng chẳng khá gì hơn. Giờ giảng Văn của chúng tôi thường bắt đầu bằng cách đọc bài, sau đó cô giáo sẽ phân tích, ghi lên bảng hoặc đọc cho chúng tôi chép lại. Hôm sau, chúng tôi sẽ học thuộc lòng các ý cô cho ghi và đứng trước lớp trả bài.
>> 'Thuý Kiều phải yếu đuối, Trạng Quỳnh luôn khôn ngoan'
Trong lúc cô phân tích bài (thường là thơ, tản văn, truyện ngắn hoặc các thể loại văn học khác), thách thức lớn cho chúng tôi là cô sẽ đặt câu hỏi và gọi tên bất cứ học sinh nào trả lời. Để đối phó với chuyện này, chúng tôi sẽ đi mượn tập các lớp mà cô đã dạy trước đó để tìm đáp án của cô. Và cứ thế, dù không hiểu gì, chúng tôi cũng có thể vượt qua quá trình khảo bài của cô một cách dễ dàng...
Cho đến năm học lớp 10, tôi vẫn làm Văn theo thói quen cũ: Đào bới kho tàng của người khác và nhặt nhạnh đem về trang viết của mình. Lúc phát bài bài tập làm Văn, thầy tôi đã lặp đi lặp lại rằng: "Các em đừng chép sách mẫu, thầy đọc vô là biết liền hà. Các em hãy viết những câu Văn của các em dù nó còn ngây ngô nhưng thầy vẫn thấy nó trong sáng hồn nhiên. Thầy thích thế hơn. Lần sau, em nào mà chép sách mẫu thầy chỉ cho hai điểm vì công chép thôi nhé".
Cùng với lời dặn đó, thầy khuyên chúng tôi nên viết nhật ký để rèn luyện khả năng viết và trau dồi vốn từ của mình. Chỉ đến khi học thầy, tôi mới thật sự cảm thấy mình được khuyến khích những câu Văn của mình cho dù nó còn vụng về non kém và còn rất nhiều khuyết điểm. Thế là từ đó, tôi dần dần bỏ được thói quen lệ thuộc vào các bài Văn mẫu.
Giờ học với thầy cũng vô cùng thoải mái. Bài giảng của thầy trên bảng luôn ghi theo cấu trúc quy định từ quyển "Chuẩn kiến thức Văn", tuy nhiên trong giờ lên lớp, hiếm khi thầy khảo chúng tôi về cấu trúc, đề cương, dàn ý các thể loại... Chúng tôi chỉ cần đọc thuộc thơ, hoặc tóm tắt truyện, nói cảm xúc và suy nghĩ của mình là đủ.
>> Môn Văn cũ kỹ khiến nhiều người thấy sách trăm trang là nhức đầu
Nếu lỡ không thuộc bài, thầy cho nợ lần sau, hoặc bắt trả nợ ngay tại chỗ bằng cách hát một bài cho cả lớp nghe nếu đó là học sinh có năng khiếu văn nghệ. Có thể, trong tiêu chuẩn đánh giá của ngành sư phạm, thầy không được xếp vào danh sách giáo viên xuất sắc, nhưng trong lòng chúng tôi thì thầy đúng là người thầy mà bọn học trò chúng tôi mong muốn. Thầy cho điểm rất hào phóng, hơn phân nửa lớp luôn được điểm 7 và điểm 8 (mức điểm cao nhất của thầy).
Cũng chính vì vậy mà tôi bắt đầu nghĩ: học Văn không khó. Cũng giai đoạn này, tôi tập tành viết những bài viết ngắn cho đài phát thanh và các tờ báo tỉnh. Và hình như do may mắn nên bài của tôi cũng đã từng được đăng và phát sóng trên đài, từ đó tôi lại thích Văn hơn, muốn học nó nhiều hơn.
Từ kinh nghiệm của mình tôi nghĩ, người thầy có vai trò rất lớn trong việc làm học sinh yêu thích hay chán ghét môn Văn. Văn chương trước tiên nên học bằng tình cảm, cảm xúc. Nếu dùng Văn học để nhồi nhét ý những ý tưởng vào đầu các em, thì học sinh sẽ có tâm lý chán ghét và đối phó với môn Văn, hơn là học hỏi và thưởng thức nó.
>> Bạn đã học môn Văn như thế nào? Gửi bài chia sẻ tại đây.
Trần Thị Thu Ba