(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Trong một thế giới luôn vận động, cái mới ra đời để bổ sung và thay thế cái cũ là điều tất yếu. Văn chương cũng không nằm ngoài quy luật này. Văn chương là dòng chảy tư tưởng và phản ánh cuộc sống đời thường. Thế nhưng khi cầm trên tay và đọc những quyển sách Ngữ Văn các lớp phổ thông, tôi có cảm giác có quá nhiều tác phẩm đã cũ.
Ngoại trừ những tác phẩm văn chương trung đại thuộc hàng kinh điển, bắt buộc phải có như: Nam quốc sơn hà, Bình Ngô đại cáo, Chiếu dời đô, Truyện Kiều...thì sau ngần ấy năm, điểm đi điểm lại vẫn ngần ấy gương mặt. Trước năm 1945 có: Vợ chồng A Phủ, Tắt đèn, Chí phèo... Mới hơn một chút xíu, những tác phẩm ra đời thời kỳ đổi mới có: Chiếc thuyền ngoài xa, Mùa lá rụng trong vườn (đọc thêm)...
Tôi tự hỏi do những nhà biên soạn sách giáo khoa môn Văn vừa bảo thủ, vừa kỹ tính, không chọn đâu ra được một tác phẩm mới để đưa vào chương trình học? Hay do nền văn chương của ta quá kém, hàng chục năm trời trôi qua nhưng không có một tài năng nào tỏa sáng, với những tác phẩm mang hơi thở cuộc sống hàng ngày?
Tôi nghĩ hai câu hỏi này thực ra có liên quan nhau. Học sinh khi rón rén những bước đầu tìm hiểu văn chương ở nhà trường, thì đã bị đóng khung vào những đề bài kiểu: "phân tích tác phẩm", "phân tích nhân vật", "cảm nghĩ về nhân vật"...mà khi làm bài, thiếu một ý nào thì sẽ bị giáo viên trừ điểm ý đó. Nếu tự viết cảm nhận riêng, thì sẽ bị phê "lạc đề", "suy diễn" và "không hiểu ý tác giả". Bên cạnh đó, việc tìm hiểu những tác phẩm viết về cuộc sống mấy chục năm về trước là cần thiết, song mức độ nên vừa phải. Học sinh có thể đọc bài rồi tưởng tượng ra cảnh chị Dậu bị cường hào áp bức, nhưng bắt các em làm bài phân tích, đồng cảm với chị Dậu thì không phải em nào cũng làm được vì trải nghiệm sống của một cậu học trò không thể vượt qua môi trường sống, tức là ở nhà và ở trường.
Chính vì bị đóng khung sáng tạo như thế, nên văn chương của ta vẫn ì ạch và không có thay đổi gì đáng kể qua mấy chục năm. Thời của những nhà văn với những tác phẩm hay đã qua nhưng thế hệ kế cận tiếp nối thì chưa xuất hiện.
Tôi nghĩ đã đến lúc làm mới môn Văn. Ngoài những tác phẩm kinh điển, tác phẩm bắt buộc phải giảng dạy ra, thì nên linh động bổ sung tác phẩm của những nhà văn viết về cuộc sống từ thập niên 2010 trở lại. Nếu cứ tiếp tục học và đào sâu những cái cũ như những gì đã diễn ra, thì cơ hội cho cái mới xuất hiện là bao lâu?
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.