Thầy cô giáo phê bình bài văn của học sinh "không hiểu ý của tác giả" là sai lầm lớn, có thể nói là rất nghiêm trọng về chuyên môn. Có ai trên thế giới "hiểu ý của tác giả" của bất kỳ tác phẩm văn học nào cho dù tác phẩm văn học ấy được đánh giá là kinh điển?
Ý của tác giả thì phải hỏi tác giả mới biết chứ thầy cô không thể phán học sinh "không hiểu ý tác giả"?
Tôi không hiểu "ý của ông Victor Hugo" là gì khi viết "Người cùng khổ". Tôi chỉ hiểu là, tôi ở trong truyện đó, có xuất thân là người cùng khổ, nghèo đến mức không ai nghèo hơn. Do hoàn cảnh đẩy đưa, do cố gắng tự thân, cuối đời tôi trở thành người giàu có. Để đảm bảo cho sự giàu có ấy không mất đi, tôi muốn tham gia vào tầng lớp quý tộc (tầng lớp có quyền lực chính trị). Người ta đã đi xác minh lý lịch của tôi và phát hiện ra tôi có xuất thân là người cùng khổ. Họ chèn ép, dọa dẫm, đòi tịch biên gia tài của tôi.
>> Xã hội mất thói quen đọc sách, hành vi vô văn hóa tăng dần
Đúng vào lúc đó, xã hội có sự bạo động của những người nghèo. Tôi sẽ tham gia với những người nghèo này hay không? Người nghèo đòi cái gì là chuyện của họ còn tôi chỉ đòi tài sản của tôi không bị ai cướp đi hay đe dọa cướp đi. Tôi chả hiểu ý của tôi là đúng hay sai, có đúng với "ý của tác giả" hay không nhưng ít nhất nó không mâu thuẫn với tư tưởng của Cách mạng Pháp (xung đột giữa giai cấp quý tộc và giai cấp tư sản).
Bình luận, phân tích văn học là người ta muốn tìm hiểu ý của người bình luận phân tích ấy xem có bật ra được góc nhìn, quan điểm, nhận xét... gì mới không. Mục tiêu như vậy cho nên tác phẩm cho dù đã rất cổ xưa nhưng chẳng bao giờ lạc hậu. Bình Ngô Đại Cáo, Nam Quốc Sơn Hà...có bao giờ lạc hậu không?
Rồi, ai có thể đi tìm những ông tác giả ấy (Nguyễn Trãi, Lý Thường Kiệt) để hỏi ý của họ là gì khi viết ra những áng văn câu thơ bất hủ ấy?
Xã hội nói chung cần "ý của người đọc" chứ không cần "ý của tác giả". "Không hiểu ý của tác giả" cho thấy cách thức biện pháp dạy văn học lạc lối. Dạy văn học là dạy học sinh làm người chứ không phải dạy làm sao cho học sinh phải bắt chước copy khuôn mẫu của ai đó, phải có suy nghĩ giống ai đó.
Cũng là triết học do các nhà tư tưởng triết học thế kỷ 18 - 19 viết ra truyền bá đến nhiều quốc gia. Có nơi nghiên cứu tìm ra ý mới phù hợp hoàn cảnh xã hội khiến cho tư tưởng ấy chẳng bao giờ lạc hậu, ngày càng được nâng cao dần lên, thậm chí cao đến mức hình thành nên tư tưởng mới hơn (nhưng vẫn dựa trên nền tảng của tư tưởng cũ).
>> Môn Văn cũ kỹ khiến nhiều người thấy sách trăm trang là nhức đầu
Có nơi người ta chỉ chăm chú tìm hiểu "ý của tác giả" nên tư tưởng ấy không phát triển được ở nơi đó hoặc phát triển theo chiều hướng lệch lạc. Cũng dựa trên nền tảng tư tưởng ấy, có nơi phát triển vượt bậc về mọi mặt trong một thời gian rất ngắn, có nơi vẫn lạc hậu về mọi mặt dù tư tưởng ấy được du nhập từ rất sớm không kém gì nơi kia. Nguyên nhân lạc hậu là do người ta chỉ chăm chú tìm hiểu "ý của tác giả", không quan tâm "ý của người đọc".
Mục tiêu học văn là để có kỹ năng diễn đạt suy nghĩ của mình cho người khác hiểu chứ không phải là diễn đạt suy nghĩ của người khác cho mình hiểu. Mục tiêu đào tạo con người lệch lạc thì phương pháp giảng dạy cũng lệch lạc theo. Từ lệch lạc (nhưng vẫn tự cho là đúng vì thiếu cạnh tranh, thiếu phản biện) lâu dần tạo thành lối mòn, thành định kiến, thành cố chấp bảo thủ.
Người ta có thể hâm mộ một ông, bà nghệ sĩ nào đó như thần tượng về phong cách, về tinh thần sáng tạo khi họ biểu diễn, để rồi mang cái phong cách, tinh thần ấy vào công việc riêng của họ, vốn chẳng liên quan gì đến thần tượng. Chứ còn hâm mộ theo kiểu bắt chước cho giống cái vẻ bề ngoài của thần tượng là hâm mộ lệch lạc.
Từ diễn đạt suy nghĩ của mình đến bình luận ý của người khác (bình luận tác phẩm văn học) rồi đến tranh luận các vấn đề xã hội là một chuỗi các kỹ năng từ thấp đến cao, kỹ năng này dựa vào kỹ năng kia làm nền tảng.
Rất nhiều người bình luận các vấn đề xã hội trên diễn đàn mạng thuần túy để sướng miệng, chẳng quan tâm nguyên nhân - kết quả, có thể hiểu là họ ở thời học sinh sinh viên chắc hẳn hoặc là rất "hiểu ý tác giả" hoặc là "mít đặc" về văn học.
>> 'Thay vì tổ chức thi dạy giỏi, hãy bắt buộc giáo viên đọc sách thường xuyên'
Từ hiểu "ý của tác giả" sẽ dẫn đến hiểu "ý của cấp trên" tạo ra một xã hội kém minh bạch và luật pháp kém hiệu lực.
Chấm điểm văn hoàn toàn không hề cảm tính như nhiều người nhầm tưởng. Chẳng qua người ta đã không quy định chuẩn mực thang điểm cho môn văn. Chuẩn mực (theo ý riêng của tôi) là như sau:
1. Đọc được. Viết hay viết giỏi cỡ nào mà chữ xấu đọc không ra cũng như không viết.
2. Đúng chính tả. Sai chính tả có thể làm cho câu văn mang ý khác không đúng ý của người viết.
3. Đúng ngữ pháp. Sai ngữ pháp sẽ làm cho câu văn có thể trở thành vô nghĩa (tức là không biểu đạt được bất cứ ý nghĩ nào).
4. Hành văn. Ý của câu sau không giẫm lên, không trùng lặp với ý của câu trước (tức là phải có nội dung, có sự mạch lạc, có trước có sau).
5. Tu từ. Cũng đồng thời là phong cách viết mang hình thức nghiêm túc, châm biếm, hài hước, phê phán... Những người không hành nghề viết văn, viết báo nhiều lắm chỉ đạt được ba chuẩn mực đầu tiên, hai cái sau rất khó với tới huống gì là học sinh phổ thông.
Các thầy cô dạy văn của tôi mấy chục năm trước chấm điểm như vậy đó. Suốt ba năm trung học tôi chỉ đạt được hai điểm bảy môn Văn, còn lại toàn năm với sáu điểm. Tám điểm Văn được xem là "hiện tượng", được thầy hiệu trưởng vinh danh trong giờ chào cờ thứ hai đầu tuần. Điểm chín, điểm mười xem như "truyền thuyết".
Còn bây giờ, chín, mười điểm môn văn là không hiếm, chỉ cần hiểu "ý của tác giả". Chẳng lẽ lối dạy văn mấy chục năm trước "lạc hậu" như vậy sao?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.