"Lúc còn ở Việt Nam, con tôi là cậu bé vài tuổi. Tôi đã dạy con một cách nghiêm khắc theo kiểu phải tuân lệnh và đặc biệt xem trọng kết quả học tập của con. Con tôi đã có những phản ứng nhưng tôi bỏ ngoài tai vì luôn cho rằng mình đúng.
Cho đến khi chúng tôi định cư tại Đức. Ở môi trường mới, tôi nhận ra rằng mình đã quá sai lầm trong cách dạy con. Tôi từng bước thay đổi, không coi trọng kết quả học nữa mà chỉ động viên con học sao cũng được, sự cố gắng mới quan trọng, còn ra sao tôi cũng vui. Tôi dần dần trở thành một người bạn của con, nghe con tâm sự về mọi chuyện. Những gì thuộc về con, tôi để con quyết định trước.
Và từ một cậu bé không biết tiếng Đức, con tôi đã trở thành học sinh châu Á đầu tiên nằm trong top đầu môn Toán và Tiếng Anh của trường cấp hai ở Đức, là lớp trưởng của lớp. Thật sự, tôi không quan tâm đến thành tích vì dù con có không đạt được thì tôi cũng rất tự hào về con.
Đơn giản vì con tôi rất tự lập khi sống ở Đức, từ năm 14 tuổi đã tự một mình ra sân bay về Việt Nam chơi hoặc sang nước khác du lịch. Con còn tự chăm sóc em và quán xuyến nhà cửa khi mẹ vắng nhà nhiều ngày. Và trên hết, con xem tôi là bạn nên đã chia sẻ hết bí mật riêng tư của mình".
Đó là chia sẻ của độc giả Nguoixala về cách nuôi dạy con cái sau bài viết "Tôi bật khóc vì bất lực dạy con". Một luồng quan điểm thịnh hành hiện nay là "cha mẹ phải trở thành người bạn của con", thay thế những quan điểm dạy con nghiêm khắc trước đây.
>> Tôi bị mắng 'thiếu bao dung' vì không chiều hư các cháu
Đồng tình với quan điểm làm bạn với con, bạn đọc CrazyHand bình luận: "Trẻ mơ mộng có khả năng và thế mạnh của riêng chúng, cha mẹ nên biết cách dạy bảo và khuyến khích con thay vì cấm đoán. Theo tôi, chỉ cần con ngoan ngoãn, không dính vào các tệ nạn, hư hỏng là được rồi.
Tìm hiểu về các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới và tham khảo tài liệu một cách kỹ lưỡng, có chọn lọc và kiểm tra rõ ràng nguồn gốc, các bạn sẽ thấy rằng ở các nước phương Tây, những đứa trẻ mơ mộng rất được coi trọng. Ở tuổi nhỏ thích thể hiện là điều bình thường, đó là cách trẻ khẳng định bản thân. Thích được thử nghiệm là thể hiện sự tò mò của một đứa trẻ thông minh, cha mẹ không nên cấm đoán".
Chỉ ra sai lầm trong cách dạy con theo khuôn mẫu, độc giả Quang Tan kết lại: "Tôi từng được giáo dục theo kiểu phải tuân lệnh và 'nghe lời người lớn thì mới là ngoan', nên tôi rất dị ứng với kiểu dạy con đó. Tôi cũng từng chứng kiến nhiều cậu bạn lúc học phổ thông có cha mẹ cực kỳ nghiêm khắc, khi lên đại học thì ngay lập tức ăn chơi sa đọa vì thoát khỏi vòng kiểm soát của gia đình.
Vậy nên, tôi hiện dạy con rất thoải mái, con thích gì thì làm nấy. Tôi sẽ chỉ nói cho con kết quả sau này nếu thiếu kiến thức và kỹ năng sống để con tự lựa chọn. Tôi dạy con rất nhẹ nhàng, chủ yếu chơi cùng và trò chuyện chứ không cần áp đặt phải đạt được mục tiêu này kia làm gì cả.
Tôi xác định con mình chỉ số IQ có hạn, nên cần phát triển EQ tốt để kết nối tốt với mọi người và nắm bắt được các cơ hội có thể làm được trong đời. Từng bước đi sẽ lên đến đỉnh núi, chứ không đặt một gánh nặng quá lớn. Con tôi hiện là học sinh xuất sắc, nhưng tôi cũng không quan tâm đến kết quả đó làm gì cả".
Bạn có đồng tình với quan điểm dạy con trên?
- Con tôi chơi game, xem YouTube từ nhỏ vẫn đỗ trên đại học
- Những đứa trẻ 'con vua' trong quán cà phê
- Có thai từ năm ba cao đẳng vì bố mẹ cấm đoán yêu sớm
- Tôi bắt con học đủ thứ suốt ba tháng hè thay vì 'ôm' smartphone
- Tôi không cho con dùng smartphone trước 18 tuổi
- Cha mẹ sửng cồ khi quý tử bị nhắc nhở vì phá phách trong quán ăn