"Tôi để ý thấy nhiều bậc cha mẹ thế hệ 8X, 9X bây giờ luôn coi con mình lớn hơn tất cả. Dù họ biết là con làm sai nhưng vẫn luôn sẵn sàng dựng ngược lên nếu có ai đó góp ý, trách mắng đứa bé. Và họ cũng chẳng ngại xúc phạm người khác để bênh vực con mình một cách bất chấp.
Nếu bạn không tin thì cứ ra các hàng ăn sáng vào cuối tuần mà xem. Tôi ngồi ăn trong quán thấy việc đầu tiên họ làm là chuyển kênh TV hoặc bật điện thoại ầm ĩ cho con xem hoạt hình, YouTube. Sau khi con ăn xong, họ lại để lũ trẻ thỏa sức chạy quanh quán, đẩy ghế, kéo bàn, nghịch ngợm, trộn muối tiêu, tương ớt, dấm tỏi vào nhau, rồi lại khóc lóc, quát tháo... Nói chung là đủ mọi trò diễn ra suốt cả tiếng đồng hồ mà chẳng ai (trong đó có tôi) 'dám mạo phạm' vì thừa biết động vào con họ là họ nhảy lên ngay.
Có người vào quán mua mang về cũng ngồi nghênh ngang trên xe, sai con vào mua, rồi hét toáng lên đòi ưu tiên cho trẻ con. Hễ ai nhắc nhở hay không ưu tiên là họ cũng nhảy dựng lên ngay. Đó chỉ là một phần quá nhỏ để ví dụ cho câu 'trẻ con biết gì đâu, chấp làm gì' của nhiều bậc cha mẹ ngày nay".
Đó là chia sẻ của độc giả Bình Luận xung quanh câu chuyện chiều hư con cái. Thực tế, nhiều bậc cha mẹ ngày nay luôn sẵn sàng đáp ứng tất cả các yêu cầu của con cái, sẵn sàng làm mọi việc để con được tự do làm điều chúng muốn. Cũng vì thế, họ xem nhẹ chuyện dạy dỗ con và rất ít khi đặt ra các nguyên tắc, kỷ luật cho con thực hiện.
Cùng chung nỗi bức xúc vì những đứa trẻ được cha mẹ nuông chiều thái quá, bạn đọc Khoảng lặng kể lại: "Đây là một điển hình của một đứa trẻ được chiều vô lối từ nhỏ. Bạn đó học chung lớp với con tôi, tính cách rất mạnh mẽ, cái tôi cao, lấn lướt các bạn, muốn gì là giật cho bằng được. Tất cả lợi ích trong lớp bạn đó đều muốn giành hết về cho mình. Khi phụ huynh khác phản ảnh thì cha mẹ bé đó chỉ ậm ừ cho qua. Càng ngày, những đặc điểm trên càng phát huy chứ không thấy giảm đi chút nào.
>> 'Con còn bé, đã biết gì đâu'
Khi lên cấp hai, bạn đó xung phong làm lớp trưởng. Bạn thích quyền uy, ra oai với các bạn, dừng quyền làm lớp trưởng để lấn át cả lớp, bắt các bạn phải bỏ qua lỗi vi phạm của mình. Đến khi cả lớp đồng loạt yêu cầu cô giáo phải bầu lại lớp trưởng mới, lời qua tiếng lại với nhau, bạn bắt đầu học hành sa sút, không chơi với ai. Phụ huynh lúc này lại lên tiếng cho rằng cả lớp đang cô lập, ức hiếp con họ.
Đến giờ, bạn đó đã bỏ học vì bị trầm cảm nặng, không thích đến lớp, không thích đi đâu, chỉ nằm trong phòng một mình. Cha mẹ bạn giàu có, đi khắp nơi chữa trị cho con nhưng bệnh tình cũng không thuyên giảm. Đó là cái giá đắt khi cha mẹ nuông chiều con thái quá".
Nhấn mạnh việc tôn trọng tự do của con khác với nuông chiều vô lối, độc giả Kiệt Nguyễn Tuấn phân tích: "Câu nói 'con còn nhỏ, đã biết gì đâu' thực ra là thể hiện sự sợ hãi và hèn nhát của những người làm bố mẹ khi con mình mắc lỗi gì đó với người khác. Ví dụ con làm vỡ đồ, hỏng đồ của người khác, cha mẹ sợ bị bắt đền nên toàn bao biện 'trẻ con bé, chưa biết gì'. Thực ra, chủ yếu là do họ hèn nhát và sợ hãi, không dám thừa nhận lỗi lầm của con. Điều đó chỉ phơi bày ra cái kém của bố mẹ trong việc dạy dỗ con cái".
"Dạy một đứa trẻ hiểu biết đúng - sai không hề đơn giản, nhưng chiều một đứa trẻ hư cực kỳ dễ dàng. Chính thái độ 'con còn nhỏ, chưa biết gì' nên phụ huynh thường làm thay hết, biến đứa trẻ thành kẻ lười biếng. Đừng nói trẻ nhỏ không biết gì vì chúng sẽ cố tình làm không tốt, vụng về để được người lớn làm hộ cho nhanh. Một đứa trẻ làm sai, thay vì xin lỗi thì lại được bố mẹ chúng bênh, thậm chí cãi trắng thành đen, đổ lỗi ngược lại cho người khác, lâu dần chúng sẽ có tư tưởng mình luôn đúng, mình là nhất", bạn đọc Lệ Tà nói thêm.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- Những cha mẹ nuông chiều con theo kiểu 'từ từ sẽ lớn'
- 'Bắt con rửa bát, nấu cơm như một nghĩa vụ'
- Tôi cho tiền để con tự giác đi tắm, đánh răng
- Trả tiền cho con làm việc nhà
- Không cho con trai làm việc nhà vì sợ 'mất khí chất đàn ông'
- 'Tự hào con 18 tuổi học giỏi dù không biết nấu cơm'