Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Mỹ (CDC), nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) phổ biến, trong đó, vi khuẩn từ da hoặc trực tràng lây nhiễm vào đường tiết niệu và nhân lên trong bàng quang. Bệnh có các triệu chứng gồm: đau khi đi tiểu, đi tiểu thường xuyên, cảm giác muốn đi tiểu dù bàng quang trống rỗng, có máu trong nước tiểu và đau quặn bụng dưới. Bệnh xảy ra thường xuyên hơn ở nữ giới do có niệu đạo ngắn, vi khuẩn dễ dàng đi vào bàng quang.
Bệnh nhân bị viêm đường tiết niệu được khuyên hạn chế các chất có cồn, chất kích thích. Trong đó, rượu ảnh hưởng đến chức năng bàng quang, làm tăng tần suất đi tiểu. Ngoài ra, tác dụng khử nước của rượu có thể gây ra một số kích ứng như đau và rát khi đi tiểu. Thế nên người uống quá nhiều rượu dễ bị nhiễm trùng tiểu hơn những người không uống nhiều.
Mặt khác, một số nghiên cứu chỉ ra rằng rượu có thể dẫn đến hành vi tình dục không an toàn như không sử dụng bao cao su, dễ dẫn đến nguy cơ mắc nhiễm trùng tiết niệu. Thức uống có cồn này cũng làm suy yếu hệ thống miễn dịch khiến cơ thể dễ nhiễm trùng và viêm.
Trong quá trình sử dụng thuốc điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu, như Bactrim, người bệnh được khuyến cáo không uống rượu. Sự kết hợp giữa rượu và Bactrim gây ra các tác dụng phụ như: tim đập loạn nhịp, nóng hoặc đỏ dưới da, buồn nôn, nôn, ngứa ran, huyết áp thấp khi đứng... Rượu cũng làm trầm trọng thêm các triệu chứng, tăng khả năng nhiễm trùng và ngăn ngừa quá trình lành bệnh.
Bác sĩ cũng khuyên người bệnh uống nhiều nước để giúp đẩy vi khuẩn ra ngoài. Tránh đồ uống chứa caffein như trà, cà phê và nước ngọt; các loại nước trái cây có múi như nước ép bưởi và nước cam vì có tính axit vì gây kích thích bàng quang.
Hải My (Theo Healthline)