"Tôi đang ở Thái Lan du lịch tự túc năm ngày. Dự trù vé máy bay, khách sạn, ăn uống, vui chơi hết khoảng 10 triệu đồng một người. Với tầm tiền đó, tất nhiên tôi cũng có thể đi du lịch trong nước được, nhưng chắc chắn chuyến đi sẽ không thể thoải mái bằng đi Thái Lan, vì tôi phải lo sợ bị chặt chém cũng như chất lượng dịch vụ, vệ sinh cũng kém hơn nhiều".
Đó là chia sẻ của độc giả Anh trước thực trạng "Khách Việt đổ xô đi nước ngoài". Từ đầu năm, khách Việt đổ xô du lịch Đông Nam Á và Đông Bắc Á, nhiều điểm đến ghi nhận lượng khách Việt đứng top 10 thị trường khách quốc tế hàng đầu. Thay vì lựa chọn các điểm đến trong nước, người Việt lại chọn Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore... cho các chuyến du lịch của mình.
Cho rằng lý do lớn nhất khiến người Việt "bỏ rơi" du lịch nội địa là vì vấn đề giá cả, bạn đọc Mr Kim nhận định: "Ở Thái Lan, tôi có thể đặt được khách sạn năm sao với giá 2 triệu đồng một đêm, Nhưng ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Phú Quốc, Nha Trang thì điều này là không thể. Cộng thêm nữa là giá vé máy bay nội địa cũng cao hơn vé bay đi Thái Lan, Singapore, Malaysia... Như vậy, rõ ràng du lịch tại Việt Nam đang đắt đỏ hơn nhiều so đi nước ngoài nên người ta sẽ không lựa chọn".
"Là người Việt, ai chẳng muốn ủng hộ du lịch nước nhà. Tuy nhiên, nếu đi du lịch trong nước lúc này, giá vé di chuyển (xe cộ hay máy bay) còn đắt hơn nhiều so với đi quốc tế. Bên cạnh đó, các dịch vụ du lịch như ăn uông, vui chơi và nghỉ ngơi... cũng thường bị chặt chém. Đi chơi để tìm sự thoải mái chứ không phải là đem bực tức vào người, nên nhà tôi ở Hà Nội cũng chọn các tour Thái Lan với chi phí khoảng 8 triệu đồng một người để đi du lịch tháng 5 tới đây. Mức giá này rẻ hơn rất nhiều so với đi Đà Nẵng, Cần Thơ, Nha Trang, Vũng Tàu...", độc giả Le Minh nói thêm.
>> Tính toán khi vé máy bay khứ hồi Phú Quốc 6 triệu đồng
Năm 2023, lượng khách Việt Nam trong top 10 thị trường hàng đầu đến Thái, thuộc nhóm 7 chữ số (hàng triệu lượt) với hơn một triệu lượt. Trong năm 2023, lưu lượng khách khách Việt ra vào sân bay quốc tế Changi xếp thứ 9 trong top 10 thị trường khách quốc tế đến sân bay này.
Tại sao du lịch Việt lại thất thế trước chính các quốc gia láng giềng trong khu vực? Bạn đọc Bui Louis cho rằng: "Đây là tổng hòa của nhiều yếu tố: giá vé máy bay rẻ, không gặp cảnh đông đúc, phải chờ đợi khi ăn uống, nghỉ ngơi, không bị nâng giá dịp lễ, Tết... Nhớ xưa tôi đi du lịch trong nước dịp nghỉ lễ luôn phải trả nhiều tiền hơn mà đồ ăn lại được phục vụ không chu đáo, chưa kể phải ngồi chờ khá lâu mới được dùng bữa. Gia đình có người già và trẻ nhỏ thì vô cùng không thoải mái".
Nhấn mạnh những điểm yếu khiến du lịch Việt đánh mất khách trong nước, độc giả Vu cảnh báo: "Đầu tiên, tâm lý chuộng ngoại trong suy nghĩ nhiều người việt đã là điểm lợi cho các dịch vụ ngoại tận dụng khai thác. Thứ hai, nếu cùng một mức giá, sản phẩm Việt không thực sự vượt trội, chỉ cần ngang bằng thì tội gì khách hàng không chọn hàng ngoại, vừa được tiếng đi nước ngoài, trong khi đằng nào cũng mất từng đó tiền.
Thu nhập của người Việt quy đổi ra rất thấp, nên sản phẩm của Việt Nam phải cân đối với thu nhập. Không thể dùng một sản phẩm hao hao rồi đưa giá ngang bằng dịch vụ ngoại được. Đó là kinh tế thị trường, lợi ích cá nhân được đặt trên đạo đức tập thể. Là nhà làm dịch vụ phải chấp nhận thực tế này, không thì mãi kêu than mà thôi".
Đồng quan điểm, bạn đọc Hieu kết lại: "Ngành du lịch Việt dường như quá tham lam, chỉ muốn kiếm một lần rồi thôi chứ không chịu nghĩ chuyện lâu dài. Ví dụ, sau khi có cao tốc TP HCM - Phan Thiết, nhiều vấn đề bắt đầu xảy ra như không cho khách thuê một đêm mà bắt phải ít nhất hai đêm (mặc dù vụ việc đã được chấn chỉnh). Chỉ một khu vực nhỏ như vậy cũng cho thấy việc có cao tốc là tạo điều kiện, những người làm du lịch không tận dụng nhưng lại lợi dụng.
Đó là còn chưa nói đến giá vé máy bay, phòng nghỉ các dịp lễ, Tết. Tôi đã đi cũng không ít nước trong khu vực, biển và cảnh tự nhiên không đâu bằng Việt Nam. Nhưng vấn đề là họ tận dụng được cái đang có để tạo ra một địa điểm đáng giá. Còn Việt Nam có rất nhiều cái hay nhưng lại không biết bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm kém... mà còn tăng giá vé, giá phòng theo kiểu tận thu nên bị chính người Việt quay lưng".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- 'Vé máy bay tới TP HCM 30 triệu đồng, gia đình tôi đi du lịch Thái Lan'
- Bữa hải sản gần 12 triệu đồng ở Hạ Long đắt hay rẻ?
- Bài học từ cách làm du lịch của người Nhật
- Chuyến đi Phú Quốc khiến tôi thấy du lịch Việt chẳng kém Thái Lan
- 10 năm 'nghiện' du lịch Thái Lan
- 'Muốn quay lại ngay sau 5 ngày du lịch Thái Lan'